SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : DÃY NÚI TRƯỜNG SƠN BẮC - KHỞI NGHĨA HƯƠNG KHÊ - HÀ TĨNH : ANH HÙNG YÊU NƯỚC KHÁNG PHÁP PHAN ĐÌNH PHÙNG & CAO THẮNG . (Phần 2 of 5)

21 Tháng Mười Một 20216:03 CH(Xem: 1417)
SÔNG NÚI NƯỚC NAM .
Hiện tượng Foehn (gió Lào) ở sườn phía đông dãy Trường Sơn Bắc .
Gió Tây Nam khô nóng hay gió Lào dùng để chỉ hiện tượng Foehn . Hiện tượng Foehn có nguồn gốc từ tiếng Đức (föhn) chỉ thứ gió ở vùng núi Alps ở Âu Châu .
Gió Tây Nam hình thành từ vịnh Thái Lan, di chuyển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua KamPuChia và Lào. Khi tiếp cận dãy núi Trường Sơn thì gió tăng tốc độ , vượt qua và tràn xuống vùng Bắc Trung Phần và Trung Trung Phần .
Dân Việt Nam thường gọi là gió Lào , bởi vì nó từ phía tây bên Lào thổi tràn qua .
Đây là một loại gió khắc nghiệt , nóng khô và có thể làm da lưng của bạn , nổi lên những phồng bong bóng như bánh tráng nướng . Nếu bạn không che chắn kỹ lưỡng khi làm việc ở ngoài trời quá lâu .
Gió thường xuất hiện từ đầu tháng Tư đến giữa tháng Chín, thường bắt đầu thổi từ 8-9 giờ sáng cho đến chiều tối, thổi mạnh nhất từ khoảng gần giữa trưa đến xế chiều.
Gió khô và nóng, nên làm cho khí hậu các vùng nói trên trở nên khắc nghiệt. Độ ẩm có khi xuống 30% trong khi nhiệt độ có khi lên tới 43°C.
Với bầu trời nắng chói chang, gió lại thổi đều đều như quạt lửa nên cây cỏ héo khô, ao hồ cạn kiệt, con người và gia súc bị ngột ngạt, rất dễ sinh ra hoả hoạn...
Cao Ngất Trường Sơn :
- Mount Bia, Lao Bia Phou, highest peak (9,245 feet [2,819 metres]) in Laos, located among the western spurs of the Annamese Cordillera (Chaîne Annamitique or Dãy Trường Sơn) immediately south of the Xiangkhoang Plateau. The massif, which trends northwest-southeast, is isolated from its 8,050–8,500-foot (2,455–2,590-metre) sister peaks by the Ngum River on the west and the Ngiap (Nhiêp) River on the east.
Đỉnh núi Phou Bia cao 2819 M là đỉnh cao nhất của dãy Trường Sơn .
Đỉnh núi này nằm phía tây của Trường Sơn Bắc , bên trong lãnh thổ của Lào thuộc tỉnh Xiêng Khoảng ( Xiangkhouang).
- Phu Xai Lai Leng là một ngọn núi cao thứ nhì trên dãy Trường Sơn Bắc.
Ngọn núi có đỉnh cao 2720 M (mét) và nằm trên biên giới giữa Việt Nam (tỉnh Nghệ An) và Lào (tỉnh Xiengkhuang). Đây là một trong các đỉnh cao vượt trội (Ultra prominent peak), cao hơn so với địa hình xung quanh từ 1500 mét trở lên tại Đông Nam Á. Núi có cấu tạo granite đá Hoa cương xuyên lên trầm tích cổ sinh .
Ngoài ra , còn có nhiều đỉnh núi cao : Pu Ma (Nghệ An) 2194 M, Pu Đen Đin (Nghệ An) 1540 M, Rào Cỏ (biên giới Việt - Lào, Hà Tĩnh) 2235 M, Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình cao tới 1178 M , Động Ngài (Thừa Thiên-Huế) 1774 M, Bạch Mã (ranh giới Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng) 1444 M ...
Những Nẻo Đường Việt Nam :
Những nẻo đường Việt Nam
Suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan
Ôi những nẻo đường Việt Nam
Ôi những nẻo đường Việt Nam ...
Đèo Keo Nưa hay đèo Kẹo Nưa là đèo trên biên giới ở quốc lộ 8A ở huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam nối với Quốc lộ 8 (Lào ) ở huyện Khamkeuth tỉnh Bolikhamxai .
Với độ cao trên 1.000 M so với mực nước biển, cho đến biên giới Lào , dài khoảng 16Km với nhiều đèo dốc, những đoạn cua khúc khuỷu, vực sâu hiểm trở.
Đèo Mụ Giạ, có nơi ghi là đèo Mụ Già, là đèo trên quốc lộ 12A ở huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình tới cửa khẩu Cha Lo ở biên giới Việt Nam-Lào . Đèo thuộc địa phận huyện Minh Hóa, cao khoảng 480 M , dài khoảng 20 Km từ ngã ba Khe Ve ,xã Hóa Thanh đến gần biên giới Lào .
Đèo Lao Bảo cao 350 M, thấp nhất trong dãy núi Trường Sơn ở biên giới Lào-Việt trên lưu vực sông Sébang Hiên. Đèo nằm trên quốc lộ 9 cách Đông Hà 83Km về phía tây thuộc địa phận huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, giáp tỉnh Savanakhet (Lào).
Đèo Ngang nằm trên dãy núi Hoành Sơn - dải núi chạy từ dãy Trường Sơn phía tây đâm ngang ra tới biển Đông. Do tính chất địa lý và địa hình đặc biệt như vậy nên từ xưa Hoành Sơn và đèo Ngang luôn là chốt giữ hiểm yếu trên con đường thiên lý Bắc - Nam. Qua những thăng trầm của lịch sử và bao cuộc chiến tranh, ngày nay đèo Ngang là ranh giới giữa tỉnh Hà Tĩnh (phía bắc, thuộc xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh) và tỉnh Quảng Bình (phía nam, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch).
Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), quyển 4 - Đạo Hà Tĩnh chép về Hoành Sơn và đèo Ngang như sau: “Hoành Sơn: Ở địa phận xã Hoằng Lễ về phía nam huyện Kỳ Anh, là chỗ phân chia địa giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, một dải núi liên tiếp chắn ngang đến biển; phía đông có núi Đao, đường quan đi qua trên núi, xưa là chỗ phân định địa giới giữa Giao Chỉ và Chiêm Thành, ở đây có thành bằng đá”.
“Đường quan đi trên núi” như trong sách chép chính là đèo Ngang. Con đèo này có chiều dài 6Km, cao 256 M so với mực nước biển, đường dốc quanh co, hiểm trở, rất khó đi. Khởi nguyên, đèo Ngang qua dãy Hoành Sơn được xây dựng năm 992, dưới sự chỉ đạo của Ngô Tử An, một quan đại thần thời tiền Lê. Trong lịch sử, đèo Ngang từng nhiều lần là nơi giao chiến giữa hai quốc gia Đại Việt và ChamPa.
Đèo Ngang và dãy Hoành Sơn còn gắn liền với việc tiên chúa Nguyễn Hoàng nghe lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, vượt dãy Hoành Sơn vào Ái Tử - Quảng Trị trấn thủ Thuận Hóa (năm 1558), mở mang bờ cõi và lập nên nhà Nguyễn sau này. Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa Đàng Ngoài - Đàng Trong (1570 - 1786), sông Gianh thuộc Quảng Bình là ranh giới phân chia Nam - Bắc, nhưng chốt án ngữ quan trọng của quân Trịnh ở bờ bắc chính là đèo Ngang.
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lập nên triều Nguyễn và đóng đô ở Phú Xuân (Huế) thì đèo Ngang với dãy Hoành Sơn vẫn là một điểm trấn thủ quan trọng ở mặt bắc. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua cho xây Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang. Cùng với Hải Vân quan ở mặt nam (trên đèo Hải Vân - ranh giới giữa Huế và Đà Nẵng) và Trấn Hải thành ở mặt đông (cửa biển Thuận An), Hoành Sơn quan ở mặt bắc là biểu tượng của cửa ngõ vào đất kinh sư. Năm Mậu Tuất, Minh Mạng thứ 19 (1838), vua cho đúc 9 đỉnh đồng lớn (cửu đỉnh) đặt ở Đại Nội (Huế), hình tượng Hoành Sơn - đèo Ngang được chọn khắc vào “Huyền đỉnh”.
ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT .
Thân thế​ của Anh Hùng Dân Tộc Phan Đình Phùng .
Phan Đình Phùng sinh ngày 6 tháng 6 năm 1847 tại làng Đông Thái, huyện La Sơn (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình Nho học. Đông Thái nổi tiếng là quê hương và nơi sinh sống của nhiều quan lại cấp cao của triều đình từ thời nhà Lê.
Mười hai đời liên tiếp dòng họ Phan đều đỗ đạt làm quan. Cha ông là Phó bảng Phan Đình Tuyến, các bác ông là chí sĩ Phan Đình Thông và Cử nhân Phan Đình Thuật, chú ông là Phó bảng Phan Đình Vận. Cả ba anh em họ Phan sống đến tuổi trưởng thành đều thi đỗ và vào triều làm quan. Từ nhỏ, Phan Đình Phùng đã tỏ ra chán ghét với chương trình học bảo thủ xưa cũ, tuy vậy ông vẫn kiên trì học tập cho đến khi đỗ Cử nhân vào năm 1876. Trong bài thi của mình, Phan Đình Phùng đã lấy Nhật Bản làm ví dụ cho việc một đất nước có thể phát triển quân sự thần tốc nếu có đủ ý chí. Ông đậu Cử nhân trong khoa thi Bính Tí (1876) và trở thành Đình nguyên Tiến sĩ trong kỳ thi Đình năm sau.
Mặc dù đỗ đạt cao nhưng Phan Đình Phùng thường được biết đến nhờ sự chính trực, liêm khiết của mình hơn là tài học. Cũng nhờ đức tính này mà ông thăng quan nhanh chóng trong triều đình Tự Đức. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được bổ làm Tri huyện Yên Khánh (Ninh Bình).
Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, kiên quyết chống tham nhũng. Nhờ tính cương trực mà Phan Đình Phùng được phong làm Ngự sử, một chức vụ cho phép ông chỉ trích các quan lại đồng liêu và thậm chí cả hoàng đế. Với tư cách là người đứng đầu Đô sát viện, Phan Đình Phùng đã thanh tra và loại bỏ được nhiều quan lại bất tài hoặc tham nhũng.
Sau khi Tự Đức băng hà, Phan Đình Phùng suýt mất mạng vì đấu đá nội bộ trong triều đình. Phụ chính Tôn Thất Thuyết ngó lơ di chiếu truyền ngôi của Tự Đức, và ba vị hoàng đế bị phế truất rồi giết hại chỉ trong hơn một năm. Vì phản đối Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng bị tước hết chức vị, ngồi tù một thời gian ngắn trước khi bị đày về quê nhà. Thời điểm đó, Pháp vừa xâm chiếm Việt Nam và biến nước này thành một phần của Liên bang Đông Dương. Bỏ qua hiềm khích lúc trước, Phan Đình Phùng đã tổ chức các đội quân nổi dậy, hưởng ứng phong trào Cần Vương do Tôn Thất Thuyết đề xướng, nhằm đánh đuổi quân Pháp và đưa Hoàng đế Hàm Nghi trở thành người đứng đầu thực sự của một Việt Nam độc lập. Phong trào này tiếp tục trong ba năm cho đến năm 1888, khi Pháp bắt được Hàm Nghi và đày ông sang Algeria.
Phan Đình Phùng và người trợ thủ đắc lực là Cao Thắng tiếp tục chiến dịch du kích, xây dựng mạng lưới gián điệp, căn cứ và xưởng sản xuất vũ khí nhỏ.
Nhưng không may , năm 1893 Cao Thắng tử trận khiến Phan Đình Phùng bị mất đi một cộng sự đắc lực. Năm 1895 Pháp điều Nguyễn Thân đến phối hợp với công sứ Nghệ An là Duvillier đem 3.000 lính đi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Quân chủ lực của Phan Đình Phùng bị đối phương bít đường tiếp vận, nên vũ khí, lương thực, quân số thảy đều thiếu thốn, khó bù đắp. Mỗi lần đối phương tấn công, nghĩa quân chỉ có thể chạy quanh từ núi Quạt rồi trở về núi Vụ Quang, và không thể ở đâu lâu quá 3 ngày.
Ngày 17 tháng 10 năm 1894, Phan Đình Phùng đã tập hợp lực lượng, đánh thắng một trận lớn, đối phương mất nhiều vũ khí và bị giết chết rất nhiều. Ban đầu, ông cho quân lên tận nguồn sông chặt cây đóng kè chặn nước lại, đồng thời chuẩn bị sẵn nhiều khúc gỗ lớn. Khi quân Pháp và quân triều thân Pháp đến giữa dòng sông, thì ông cho phá kè trên nguồn và tuôn cây xuống. Đối phương phần bị nước cuốn, phần bị cây lao vào người, lại bị nghĩa quân ở hai bên bờ xông ra đánh nên bị thương vong rất nhiều. Theo Phạm Văn Sơn thì sau trận này, phía Pháp ngoài số quân trang và đạn dược bị mất mát, còn có ba sĩ quan và trên trăm lính bị tiêu diệt.
Đây là trận thắng cuối cùng, vì gần 3.000 quân do Nguyễn Thân cầm đầu ngày càng xiết chặt vòng vây. Trong một trận giao tranh ác liệt, Phan Đình Phùng bị thương rồi qua đời vì bệnh kiết lỵ ,khi bị quân Pháp bao vây vào ngày 28 tháng 12 năm 1895.
Mười hai ngày sau khi thủ lĩnh Phan Đình Phùng mất, Nguyễn Thân mới tới được núi Vụ Quang và núi Quạt.
Sau đó, chính quyền Pháp và quan chức triều đình nhà Nguyễn đã cho đem quan tài Phan Đình Phùng về thôn Đông Thái quê ông để kiểm nghiệm. Sau khi các hào cựu lẫn thuộc tộc Phan Đình Phùng tại thôn Đông Thái đã khẳng định thi hài trong quan tài là Phan Đình Phùng, thi hài Phan Đình Phùng được hỏa táng. Tên ông trên văn bia Tiến sĩ ở Huế cũng bị đục bỏ.
Sang đầu năm 1896, một số chỉ huy lần lượt mất vì ở lâu nơi rừng sâu nước độc, một số bị tử trận hoặc bị bắt, một số khác thì rút qua Xiêm La hoặc ra hàng... Cuộc khởi nghĩa Hương Khê mà Phan Đình Phùng cùng các cộng sự đã dày công xây dựng đến đây là kết thúc. . Chiến dịch truy lùng của thực dân Pháp kéo dài hàng thập kỷ , cuối cùng đã khiến cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Anh Hùng Dân Tộc Phan Đình Phùng và Cao Thắng phải thất thủ .
Vài dòng Ghi Ơn Anh Hùng Cao Thắng Chế tạo Súng thép chống Tây Xâm :
Đề cập đến việc Cao Thắng rèn đúc vũ khí, nhà sử học Phạm Văn Sơn kể:
Một sự khó khăn nhất bấy giờ đối với nghĩa quân là vấn đề vũ khí. Kinh nghiệm cho thấy gươm giáo, gậy guộc không chống nổi súng đồng...Cho nên Cao Thắng liền nghĩ cách chế tạo súng đạn...Trong một trận giáp chiến trên đường Nghệ An-Hương Sơn, Cao Thắng đoạt được 17 khẩu súng bắn mau của quân Pháp...Ông liền cho thợ rèn ở hai làng là Vân Chàng và Trung Lương (Hà Tĩnh) lấy súng làm mẫu... Sau mấy tháng ròng đúc được 350 khẩu như hệt kiểu súng năm 1874 của Pháp...
Cao Thắng đã tháo một khẩu súng ra thành từng mảnh, xem xét kích thước, công dụng của từng bộ phận, rồi đốc thúc thợ rèn cứ theo đúng kích thước mà làm, nếu hỏng thì rèn lại… cho đến kỳ được mới thôi. Sắt làm súng được thu gom trong nhân dân, còn vỏ đạn thì góp nhặt những mâm đồng, nồi đồng đập dẹp, dát mỏng mà cuốn lại. Thuốc súng thì dùng từ diêm tiêu đào tìm trong hang núi. Riêng nòng súng thì phải làm từ gọng ô.
Làm được súng rồi, khi bắn thử thì nòng súng vỡ ra bởi chất lượng sắt không tốt, nên nòng súng không chịu được hơi thuốc đạn. Không nản chí, Cao Thắng liền cử Cao Đạt sang Xiêm khảo cứu cách làm súng và mua bột nổ. Bấy giờ, quân Anh ở Xiêm có bất hòa với Pháp, nên đã bày cho cách làm nòng súng đặc bằng thép non, rồi khoan bằng thép già cho thành nòng súng, sau tôi nòng súng cho già. Nhờ đó, nghĩa binh đã chế tạo được súng. Sau hai tháng, Cao Thắng cùng với những người thợ đã chế tạo được 350 súng trường kiểu Pháp.
Súng của Cao Thắng có 2 hạn chế: Đầu tiên, lò xo kim hỏa làm bằng gọng ô, chỉ bắn được 6 phát thì bị nhiệt độ cao làm yếu đi, không bắn được tiếp, nên cứ bắn 6 phát lại phải rót nước vào lò xo để bắn tiếp. Nhược điểm thứ 2 là nòng súng không có rãnh xoắn, nên độ chính xác thấp hơn súng nguyên mẫu. Dẫu vậy thì súng cũng đã vượt trội hơn súng hỏa mai và mọi loại súng nòng trơn nạp đạn từ miệng nòng hồi giữa thế kỷ 19, có nhiều điểm còn tiên tiến hơn súng trường Chassepot (loại súng mà quân Pháp sử dụng giai đoạn 1865-1873). Ở cự ly tác chiến dưới 200 mét thì súng Cao Thắng chỉ kém chút ít so với súng trường Gras Model 1874 mà quân Pháp dùng khi đó.
Đại úy Ch. Gosselin trong quyển sách L’Empire d’Annam (Đế quốc An Nam) đã viết: “Các khẩu súng kiểu 1874 này được sản xuất bí mật tại những địa điểm mà chúng ta không phát hiện ra được và với một khối lượng rất nhiều. Tôi đã mang về Pháp vài khẩu súng này, chúng giống về tất cả mọi phương diện so với những khẩu súng do các công binh xưởng của chúng ta sản xuất và đã làm cho các sĩ quan pháo binh mà tôi đưa cho họ xem phải hết sức ngạc nhiên. Chúng chỉ khác với những khẩu súng của chúng ta về hai điểm mà thôi: Lò xo xoáy ốc được tôi chưa đủ và nòng súng không có xẻ rãnh; hậu quả của điều này là đạn đi không xa. Tuy nhiên, những khẩu súng này đã bắn chết rất nhiều binh lính và sĩ quan người Âu và binh lính người bản xứ”.
Tuy chỉ có thể chế tạo súng thủ công bằng lò rèn địa phương, nhưng nghĩa quân đã chế tạo được khá nhiều súng. Le Normand ước lượng là tổng số vũ khí do nghĩa quân khởi nghĩa Hương Khê tự sản xuất và sử dụng cho đến 1895 là từ 1.200 đến 1.300 khẩu. Nếu tính cả số thiệt hại và phá huỷ do quân Pháp gây ra nhiều lần khi tấn công vào các căn cứ địa của nghĩa quân, thì tổng số vũ khí do nghĩa quân chế tạo được lên đến hàng ngàn khẩu. Sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa, tháng 1-1897 thực dân Pháp đã thu được 403 khẩu súng, 328 nòng súng, 103 súng hỏa mai.
Cuối tháng 9 năm 1889, Phan Đình Phùng từ Bắc Kỳ trở về Hà Tĩnh. Nhờ Cao Thắng và các chỉ huy khác, mà lực lượng lúc này đã có khoảng ngàn lính và 500 khẩu súng kiểu Pháp và rất nhiều súng hỏa mai .
Nhận thấy trong công tác chuẩn bị, mọi mặt đều đã khá, Phan Đình Phùng và Cao Thắng bèn cho mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp bốn tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình; làm cản trở con đường đi lại Bắc-Nam và công cuộc thôn tính nước Việt của quân Pháp.
Kể từ đó trở đi, Cao Thắng trở thành một trợ thủ đắc lực của thủ lĩnh Phan Đình Phùng, và là một chỉ huy dũng cảm và xuất sắc của lực lượng nghĩa quân Hương Khê, cho đến khi không may tử trận .
Theo sử liệu thì di hài Cao Thắng được nghĩa quân đưa về chôn cất tại Ngàn Trươi (núi Vụ Quang). Hiện ở thôn Khê Thượng (huyện Hương Khê) và ở thôn Cao Thắng (xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn) đều có đền thờ ông .
Ngoài ra, tên ông còn được dùng để đặt tên cho nhiều trường Kỹ Thuật Cao Thắng và đường phố tại Việt Nam./.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn