BIỂN ĐÔNG VÀ HẢI SỬ - NHỮNG DẤU TÍCH VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG ( Phần 1 of 4 ) : Sự tiến-bộ của Hải-Quân thời Hùng-Vương - Bản đồ Hồng Đức và quần đảo Hoàng Sa đời vua Lê Thánh Tông 1490 .

19 Tháng Chín 202110:18 CH(Xem: 2214)
HẢI QUÂN THỜI VUA HÙNG VƯƠNG
Sự tiến-bộ của Hải-Quân thời Hùng-Vương .
Khoa khảo-cổ Trung-Hoa từ đời Tống đã phát-triển, nhưng không có một ai chú-ý tới trống đồng với tư-cách một hiện-vật khảo-cổ. Lư Đại Lâm với tác-phẩm "Khảo-Cổ-Đồ" không hề nhắc tới trống đồng vì cho rằng không có minh-văn, không có giá-trị sử-liệu. Sự lầm lẫn này quá lớn và đáng tiếc. Vì nhiều lầm lẫn khác cũng tương-tự như vậy, văn-hoá Tàu không coi trọng hàng-hải. Học-giả người Anh, G. R. Worcester, đã từng than rằng:
"... Và thế là chúng ta đành bỏ cuộc tìm kiếm với niềm tiếc rằng những tranh vẽ, văn-chương và sản-phẩm văn-hoá của người Tàu dưới mọi hình-thức, mặc dù có truyền-thống đáng kể liên-tục hơn 2,000 năm mà lại chứa đựng rất ít về tàu thuyền và thủy-thủ".
Ngày nay, ai ai cũng biết rằng nội-dung hình vẽ thường thường có khả-năng biểu-lộ tư-tưởng tương-đương với cả ngàn lời, ngàn chữ. Trong khoa khảo-cổ, các nét trạm-trổ hay họa-hình thời xưa có giá-trị vô cùng to lớn. Riêng Trống Đồng là những sử-liệu quan-trọng, tự nó nói lên được nhiều chi-tiết xác-thực hơn cả "minh-văn".
Tình-trạng quân thủy thời Hùng Vương đã được người xưa diễn-tả rõ ràng qua các hình khắc trên trống đồng của nền văn-minh Đông-Sơn.
Rất nhiều chi-tiết chứng-minh rằng Hải-Quân thời Hùng-Vương cách nay khoảng 3,000 năm đã tiến-bộ đến độ ít người ngờ tới. Các sách nghiên-cứu về Trống Đồng như cuốn "Trống Đông-Sơn", do Viện Khảo Cổ Học biên-soạn (Hà Nội, 1987), trình-bày rất nhiều chi-tiết lý-thú. Chúng tôi chỉ xin kể sơ-lược một số điểm chính-yếu trong đoạn sau đây:
- Chiến-thuyền lớn có bánh lái (Phạm-Cao-Dương, Lịch-sử dân-tộc-Việt-Nam, quyển 1, 1987, trang 45-46.) Chiến-thuyền Tây-phương chỉ trang-bị bánh lái vào thế-kỷ thứ XII (China's Civilization, Arthur Cotterell & David Morgan, New York, 1975.)
- Chiến-thuyền đi biển chạy buồm. Loại này không có thủy-binh chèo chống, có trụ để dựng cột buồm.
- Vũ-khí trang bị rất hùng hậu, gồm nhiều loại:
* Tầm xa: nỏ thần thiết-trí trên thượng tầng kiến-trúc. Cánh nỏ và mũi tên lớn quá khổ (2-3m). Có lẽ dùng tác-xạ liên-hoàn loại tên bằng đồng hay tên lửa.
* Tầm trung: giáo dàì (2-2.5m)
* Cận-chiến: rìu chiến
* Nhiều thuyền có chó săn (quân-khuyển)
* Một số thủy-binh mang khiên, lá chắn.
Kiến-trúc chiến-thuyền có những điểm khác nhau cho những nhiệm-vụ đặc-biệt
* có lầu cao , dùng như pháo-tháp cho vũ-khí tầm xa.
* thuyền thân cong dùng cho nhu-cầu vận-tốc cao.
* thuyền có phần mũi thấp hơn để đổ-bộ được dễ dàng.
- Tổ-chức Hải-Quân có lẽ đã khá chặt chẽ. Người ta quan-sát thấy những chi-tiết như:
* cách trang-phục của thủy-thủ khác nhau tùy theo nhiệm-vụ như thuyền-trưởng, thủy-binh cận-chiến, nhân-viên hải-pháo hay lái thuyền. Tuy nét vẽ không đủ chi-tiết nhưng khi phân-tích, người ta thấy dường như Hải-Quân thời Hùng-Vương đã có đồng-phục riêng cho từng chuyên-nghiệp.
* cách phân-nhiệm chiến-thuyền trong hạm-đội như:
- Thuyền chuyên dùng tấn-công với tư-thế sẵn sàng của chiến-binh và pháo-tiễn hướng về phía trước.
- Thuyền hộ-tống hay giữ an-ninh hậu-tập có pháo-tiễn và chiến-binh quay về phía sau.
* phương-tiện truyền-tin và mệnh-lệnh: trống đồng.
- Một điểm đáng kể ra nữa là nhiều chiến-thuyền được trang-bị ở phía mũi một trang cụ giống như cây xiếm. Trang cụ loại này giúp cho thuyền chạy buồm có thể thay đổi hướng đi hay giữ đúng hướng không cần người lái. Kỹ-thuật Việt-Nam kiểu "auto-pilot" này là một bước tiến vượt thời-gian mà phần lớn tàu thuyền chỉ mới thực-hiện được ngày nay.
THỜI LẬP QUỐC HỒNG BÀNG VÀ NHỮNG DẤU TÍCH VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG .
1- Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ .
Cách đây lâu đời lắm, ở Lĩnh Nam có một thủ lĩnh tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương Vương, sức khoẻ tuyệt trần, lại có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Một hôm, Kinh Dương Vương đi chơi hồ Động Đình, gặp Long Nữ là con gái Long Vương, hai người kết thành vợ chồng và ít lâu sau sinh được một trai, đặt tên là Sùng Lãm. Lớn lên Sùng làm rất khoẻ, một tay có thể nhấc bổng lên cao tảng đá hai người ôm. Cũng như cha, Sùng Lãm có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Khi nối nghiệp cha, chàng lấy hiệu là Lạc Long Quân.
Lúc bấy giờ ở đất Lĩnh Nam còn hoang vu, không một nơi nào yên ổn, Lạc Long Quân quyết chí đi du ngoạn khắp nơi.
Đến vùng bờ biển Đông Nam, Lạc Long Quân gặp một con cá rất lớn. Con cá này đã sống từ lâu đời, mình dài hơn năm mươi trượng, đuôi như cánh buồm, miệng có thể nuốt chửng mười người một lúc. Khi nó bơi thì sóng nổi ngất trời, thuyền bè qua lại đề bị nó nhận chìm, người trên thuyền đều bị nó nuốt sống. Dân chài rất sợ con quái vật ấy. Họ gọi nó là Ngư tinh. Chỗ ở của Ngư tinh là một cái hang lớn ăn sâu xuống đáy biển, trên hang có một dãy núi đá cao ngăn miền duyên hải ra làm hai vùng.
Lạc Long Quân quyết tâm giết loài yêu quái, trừ hại cho dân, Lạc Long Quân đóng một chiếc thuyền thật chắc và thật lớn, rèn một khối sắt có nhiều cạnh sắc, nung cho thật đỏ, rồi đem khối sắt xuống thuyền chèo thẳng đến Ngư Tinh, Lạc Long Quân giơ khối sắt lên giả cách như cầm một người ném vào miệng cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng đón mồi. Lạc Long Quân lao thẳng khối sắt nóng bỏng vào miệng nó. Ngư Tinh bị cháy họng vùng lên chống cự, quật đuôi vào thuyền của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân liền rút gươm chém Ngư Tinh làm ba khúc. Khúc đầu hoá thành con chó biển. Lạc Long Quân lấy đá ngăn biển chặn đường giết chết con chó biển, vứt đầu lên một hòn núi, nay gọi hòn núi ấy là Cẩu Đầu Sơn, khúc mình của Ngư Tinh trôi ra xứ Mạn Cẩu, nay còn gọi là Cẩu Đầu Thủy, còn khúc đuôi của Ngư Tinh thì Lạc Long Quân lột lấy da đem phủ lên hòn đảo giữa biển, đảo ấy nay còn mang tên là Bạch Long Vĩ trên vịnh Bắc Việt.
Tuy nhiên, truyền thuyết này dường như ứng với bán đảo Bạch Long Vĩ - Cap Paklung có địa thế tựa như đuôi rồng vốn có lịch sử lâu đời hơn nhiều.
Sau khi bán đảo Bạch Long Vĩ - Cap Paklung bị cắt giao Trung Hoa thì tên Bạch Long Vĩ được đặt lại cho đảo Bạch Long Vĩ thay cho tên chim Họa Mi ( Nightingale ) . Theo thỏa thuận của Công ước Pháp - Thanh năm 1887 thì bán đảo Bạch Long Vĩ - Paklung bị thực dân Pháp bàn giao cho Thanh triều - Trung Hoa .
Lịch sử đảo Bạch Long Vĩ :
Cho đến tận đầu thế kỷ 20 thì vẫn chưa có dân cư sống trên đảo mà chỉ có ngư dân ghé vào trú bão. Vì không tìm được nguồn nước nên con người không định cư và đảo còn có tên Vô Thủy ("không có nước"). Ngoài ra đảo còn có tên là Hải Bào (do biển có nhiều bào ngư) hoặc Phù Thủy Châu ("viên ngọc nổi trên mặt nước").
Năm 1887, thực dân Pháp và nhà Thanh ký Công ước Pháp-Thanh 1887 phân chia lại đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Hoa. Đảo Bạch Long Vĩ nằm về phía tây kinh tuyến 105°43'Đ (kinh tuyến Paris làm gốc) nên thuộc về xứ Bắc Kỳ. Cũng theo hiệp ước này thì toàn bộ bán đảo Bạch Long Vĩ vốn lâu đời hơn rất nhiều đã bị cắt cho Trung Hoa nên tên Bạch Long Vĩ được đặt lại cho đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam .
2- Sự tích Mai An Tiêm và đảo Dưa hấu - Nga Sơn, Thanh Hóa .
Mai An Tiêm là một nhân vật truyền thuyết thời Hùng Vương. Theo truyền thuyết, Mai An Tiêm vốn là con nuôi của Hùng Vương thứ 17, được vua quý mến gả Mỵ nương cho. Sau vì làm phật ý vua, An Tiêm bị đày ra đảo hoang, tương truyền nay là vùng Nga Sơn, Thanh Hóa.
Ngày xưa , hoang đảo này nằm hoàn toàn trên biển Đông , rồi dần dần nhờ phù sa của sông Hồng và nhánh sông Đáy đã bồi đắp đồng bằng châu thổ Bắc Việt và nối liền hoang đảo nơi Mai An Tiêm bị đày vào chung với đất liền ở vùng Nga Sơn , Thanh Hóa .
Tại đây, An Tiêm cùng vợ chăm chỉ làm ăn, gây được giống dưa hấu quý, nhiều người tìm đến trao đổi, tiếng đồn khắp xa gần. Vua xuống chiếu gọi về cho phục chức cũ. An Tiêm được coi là ông tổ của nghề trồng dưa hấu tại Việt Nam.
Ngày nay, tại xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, có một dãy núi mang tên Mai An Tiêm, tương truyền chính là hòn đảo xưa kia vợ chồng An Tiêm đi đày. Dưới chân núi này có đền thờ ông và được nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào ngày 12 đến 15 tháng Ba âm lịch hàng năm.
3- Truyền thuyết Chử Đồng Tử tu hoc Phật Pháp trên núi đảo Quỳnh Viên ( Hà Tĩnh ).
Tương truyền Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Cù Vân (渚衢雲), hoặc Chử Vi Tử (渚微子), tại thôn Chử Xá, xã Văn Đức (nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố phải thay nhau mà mặc. Lúc người cha lâm chung, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, mình thì chịu cảnh trần truồng khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn.
Thời ấy, Vua Hùng ngành (nhành) thứ 18 là Hùng Duệ Vương (Lĩnh Nam chích quái ghi là đời thứ 3, được hiểu là đời vua thứ 3 trong thế hệ thứ 18. Hiện nay ở đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội, còn bài vị “Tam Vị Quốc Chúa” thờ 3 vị vua cuối cùng thuộc thế/chi/nhành Hùng Vương thứ 18) có cô con gái tên là Tiên Dung (仙容), đến tuổi cập kê mà vẫn chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm thuyền rồng của Tiên Dung đến thăm vùng Chử Xá. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi han sự tình, nghĩ ngợi rồi xin được cùng nên duyên vợ chồng.
Hùng vương nghe chuyện thì giận dữ vô cùng, không cho Tiên Dung về cung. Nàng biết ý nên cùng chồng mở chợ Hà Thám, đổi chác với dân gian. Buôn bán tấp nập, phồn thịnh, ai cũng kính thờ Tiên Dung và Chử Đồng Tử làm chúa. Một hôm, có người bày cho cách ra ngoài buôn bán nhiều lãi, Tiên Dung khuyên chồng nghe theo.
Chử Đồng Tử bèn theo khách buôn đi khắp ngược xuôi. Một hôm qua ngọn núi giữa biển tên Quỳnh Viên Sơn (瓊園山), (Hiện nay núi còn có ngôi cổ tự là chùa Quỳnh Viên, tương truyền đời Hùng Vương là nơi Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã tu tiên đắc đạo.
Địa danh Quỳnh Viên hay Quỳnh Sơn chính là tên xưa nhất của núi Nam Giới: “Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên” (Nghĩa là: Ngọn núi nổi tiếng này xưa gọi là Quỳnh Viên). Nam Giới.
Núi Quỳnh Viên nằm bên Cửa Sót, một trong bốn cửa biển lớn của tỉnh Hà Tĩnh thuộc miền Trung Việt Nam . Cửa Sót có tọa độ 180 27'54'' vĩ độ Bắc và 1050 55'30'' kinh độ Đông, Cửa Sót xưa kia có tên gọi là cửa Dương Luật vì dòng chảy qua làng Dương Luật (Thạch Hải) giữa núi Nam Giới và rú Mốc.
Theo tư liệu lịch sử Phật giáo thì núi Quỳnh Viên thời Hùng Vương, đây là lãnh thổ phía Nam lúc bấy giờ. Là địa điểm thứ 3 được Phật giáo truyền bá sau Tây Thiên (Vĩnh Phúc); Đồ Sơn – (Hải Phòng).
Chùa Quỳnh Viên, thuộc xã Thạch Bàn – huyện Thạch Hà – tỉnh Hà Tĩnh.là nơi tu hành của Chữ Đồng Tử. Do vì nhân duyên Ngài đã kết duyên với công chúa Tiên Dung. Nhưng sau đó Ngài đã độ cho vợ cùng xuất gia, rồi không ở núi Quỳnh Viên mà về vùng ven biển phía Bắc .
Chử Đồng Tử trèo lên am trên núi giữa đảo trên biển Đông và gặp một tăng sĩ tên Phật Quang (佛光). Chử Đồng Tử bèn giao tiền cho khách buôn đi mua hàng, còn mình thì ở lại học phép thuật. Sau thuyền quay lại đón, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá, dụ rằng đây là vật thần thông.
Chử Đồng Tử là một vị sư tăng của Việt Nam đầu tiên , đã tiếp thu tinh hoa của nền Phật Giáo Nguyên Thủy ( Nam Tông - Tiểu Thừa ) từ Nepal- Ấn Độ xuống phía nam truyền bá vào đất Việt ở vùng đảo núi Quỳnh Viên , cửa Sót thuộc Hà Tĩnh .
Núi Quỳnh Viên thuở xa xưa là ngọn núi nằm trên một hòn đảo trong biển Đông .
Sau này , do có sự thay đổi dòng chảy của con sông từ dãy Trường Sơn đổ ra phía cửa Sót cho nên phù sa của sông đã bồi tụ và gắn kết đảo núi Quỳnh Viên vào đất liền tại Hà Tĩnh ngày nay .
Về nhà, Chử Đồng Tử truyền mọi sự lại cho vợ. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán, cùng chồng chu du tìm thầy học đạo. Một hôm tối trời, đã mệt mà không có hàng quán ven đường, hai vợ chồng dừng lại cắm gậy úp nón lên trên cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm, chỗ đó nổi dậy thành quách, cung vàng điện ngọc sung túc, người hầu lính tráng, văn võ bá quan lẫn tiên đồng ngọc nữ đều sẵn sàng để hầu hạ. Sáng hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn dâng hương hoa quả ngọt đến xin làm bầy tôi. Từ đấy chỗ đó phồn thịnh, sung túc như một nước riêng.
Nghe tin, Hùng vương cho là có ý tạo phản, vội xuất binh đi đánh. Quân nhà vua đến, mọi người xin ra chống cự nhưng Tiên Dung chỉ cười và từ chối không kháng cự cha mình. Trời tối, quân nhà vua đóng ở bãi Tự Nhiên cách đó một con sông. Đến nửa đêm bỗng nhiên bão to gió lớn nổi lên, thành trì, cung điện và cả bầy tôi của Tiên Dung-Chử Đồng Tử phút chốc bay lên trời. Chỗ nền đất cũ bỗng sụp xuống thành một cái đầm rất lớn.
Dân cho đó là điều linh dị bèn lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế, và gọi đầm đó là đầm Nhất Dạ Trạch (Đầm Một Đêm), bãi cát đó là Bãi Tự Nhiên hoặc Bãi Màn Trù và chợ đó là Hà Thị.
4- BÀ TRIỆU THỊ TRINH NĂM 248 AD NÓI LỜI KHẲNG KHÁI : " Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh , đạp luồng sóng dữ , chém cá tràng kình ở biển Đông , quét sạch quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi để cứu dân ra khỏi ách nô lệ , chứ thèm gì bắt chước người đời cúi đầu , khom lưng làm hầu thiếp người ta ."
BIỂN ĐÔNG ĐÃ ĐƯỢC GHI KHẮC CHỦ QUYỀN TRONG TRÁI TIM CỦA BÀ TRIỆU .
5- Cuộc hành quân Bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông năm 1471 .
Lê Thánh Tông ra quân​ Nam Tiến - Chuẩn bị​ Thủy quân Lục chiến đổ bộ Sa Kỳ - Quảng Ngãi .
Trước khi đem đại quân đi đánh Chiêm Thành vua Lê Thánh Tông đã chuẩn bị rất kỹ về đối nội, đối ngoại, về lực lượng, về tinh thần quân dân Đại Việt:
Vào tháng 10 âm lịch (1470) ông sai Nguyễn Đình Mỹ và Quách Đình Bảo sang nhà Minh kể tội Chiêm Thành đánh úp biên giới, mò trộm trân châu và việc địa phương bị lấn cướp. Sau đó ông trưng thu lương thực ở phủ Thiên Trường, sắc dụ Thừa tuyên sứ phủ Thiên Trường rằng: Dẹp loạn thì trước hết phải dùng võ, quân mạnh vốn là ở đủ lương ăn. Lệnh tới nơi, bọn ngươi phải trưng thu ở các hạng quân sắc, lại viên, sinh đồ mỗi người 15 ống gạo, hạng hoàng đình và người già mỗi người 12 ống, bắt người bị trưng thu lại phải đồ lên thành gạo chín, không được để chậm ngày giờ, đem nộp lên sứ ty. Quan hạt đó đựng làm nhà kho, kiểm nghiệm thu vào rồi làm bản tâu lên. Kẻ nào trốn chạy thì xử tội chém đầu.
Tháng 11, hiệu định 52 điều lệnh về việc hành binh.
Trước khi xuất quân, để tăng thêm tinh thần cho binh lính, ông cho soạn tờ chiếu kể tội Trà Toàn và những việc làm sai trái của quân Chiêm đọc trước 26 vạn quân.
Hành quân​
Ngày mồng 6 tháng 11 âm lịch năm Canh Dần (tức ngày 28 tháng 11 năm 1470) Vua Lê Thánh Tông hạ chiếu ban 24 điều quân lệnh cho các doanh các vệ, ra lệnh cho Thái sư Đinh Liệt và Thái bảo Lê Niệm làm Chinh Lỗ tướng quân, thống lĩnh quân thủy trong các vệ thuộc ba phủ Đông, Nam và Bắc 10 vạn quân xuất phát đi trước.
Ngày 16 vua Lê Thánh Tông thân hành đốc xuất 15 vạn thủy quân, hôm ấy trời mưa nhỏ, gió bấc. Tạ Khắc Hải có câu thơ rằng:
Bách vạn sư đồ viễn khai hành,Xao bồng vũ tác nhuận quân thanh.(Trăm vạn quân đi đánh cõi xa,Mui thuyền mưa dội thấm quân ta.)
Dọc đường, hễ qua đền thờ thần nào đều sai quan tới dâng lễ tế, để cầu cho quân đánh thắng trận. Bảo Nguyễn Như Đổ vào tế đền Đinh Tiên Hoàng.
Đầu tháng 12 âm lịch đại quân của Lê Thánh Tông đến núi Thiết Sơn Nghệ An.
Đến giữa tháng 12 âm lịch quân Đại Việt vào đến đất Chiêm Thành. Sau đó Lê Thánh Tông cho quân luyện tập thủy chiến, ông còn cho người vẽ lại bản đồ nước Chiêm.
Ngày mồng sáu tết âm lịch quân Đại Việt bắt sống được viên quan lại giữ cửa quan của Chiêm Thành tên là Bồng Nga Sa.
Lê Thánh Tông còn tự mình soạn ra cuốn Bình Chiêm sách sau đó cho dịch ra chữ Nôm rồi ban phát cho các doanh. Trong Bình Chiêm sách, nói có 10 lẽ tất thắng, có 3 việc đáng lo.
Diễn biến​ Chiến tranh 1471
Ngày mồng 5 tháng 2 âm lịch (1471) Trà Toàn sai em đem 6 viên tướng và 50.000 lính lẻn đến sát doanh trại quân Đại Việt.
Ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch Lê Thánh Tông bí mật sai Tả du kích tướng quân Lê Hy Cát, Hoàng Nhân Thiêm và Tiền phong tướng quân Lê Thế, Trịnh Văn Sái đem hơn 500 chiếc thuyền và 30.000 lính vượt biển, lẻn vào cửa biển Sa Kỳ lập dinh lũy, đặt đồn ải, để chặn đường về của quân Chiêm.
Nhà vua còn bí mật sai viên tướng giữ quân bộ là Nguyễn Đức Trung đem quân lẻn đi vào chân núi mai phục.
Vua Lê Thánh Tông thân hành đem hơn 1000 chiếc thuyền và hàng trăm ngàn quân ra hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa dựng cờ thiên tử vừa đánh trống vừa hò reo tiến thẳng về đằng trước mặt.
Quân Chiêm thấy thế quân Đại Việt lớn, lại trông thấy ngự doanh thì tan vỡ, giày xéo lẫn nhau bỏ chạy về thành Chà Bàn Vijaya ( hay Đồ Bàn thuộc vùng núi của Bình Định miền Trung Việt Nam ).
Khi đến núi Mạc Nô, quân Chiêm gặp toán quân của Hy Cát đã đón sẵn ở đó. Quân Chiêm cuống cuồng sợ hãi, chạy rẽ ngang trèo qua chân núi cao, xác người, ngựa và đồ quân bỏ lại đầy núi đầy đường. Lê Niệm và Ngô Hồng tung quân ra đánh, chém được một đại tướng và thu được rất nhiều chiến lợi phẩm.
Vua Lê Thánh Tông đến cửa biển Thái Cân, tung quân ra đánh mạnh, chém được hơn 300 thủ cấp và bắt sống được hơn 60 người.
Trà Toàn sợ hãi, bèn dâng biểu xin hàng. Ngày 27 vua Lê Thánh Tông đem đại quân đánh phá thành Thi Nại, chém được hơn 100 thủ cấp. Ngày 28, 29 vua tới vây thành Chà Bàn, bao vây nhiều vòng. Ông sai các doanh chế tạo phi thê chuẩn bị đánh thành. Trà Toàn trong tình thế cùng quẫn, hằng ngày đệ nộp tờ cam kết đầu hàng. Vua Thánh Tông triệu Lê Viết Trung đến nói:
“ Giặc đã tan rã chí chiến đấu; kỳ hạn đánh thành đã tới. Trà Toàn nay ở trong thành này, chỉ một trận là ta có thể nhổ được. Ta định phát pháo hiệu, nhưng sợ chúng biết, chi bằng mật ước các doanh cùng một lúc tiến đánh "
(Lê Thánh Tông)
Rồi ông bí mật hẹn cho các doanh phải tức tốc trèo thành mà vào; lại dụ bảo các tướng sĩ:
“ Trong lúc thành Chà Bàn đã bị hạ, các kho tàng đều phải niêm phong, canh giữ không được phá hủy, bắt sống chúa Chiêm là Trà Toàn giải đến hành doanh không được giết hại."
(Lê Thánh Tông)
Một lúc sau, đứng xa trông thấy toán quân đi trước đã trèo lên được chỗ tường thấp trên mặt thành, bèn bắn luôn ba tiếng pháo để tiếp ứng, lại hạ lệnh cho vệ quân thần võ phá cửa đông thành tới vào. Thành Chà Bàn bị phá vỡ. Quân Đại Việt bắt được hơn ba mươi ngàn tù binh và chém được hơn bốn mươi ngàn thủ cấp. Ngô Nhạn dẫn tướng đầu hàng là bác ruột Trà Toàn tên là Bô Sản Ha Ma. Lê Thánh Tông sai trưng bày những thứ người Chiêm dùng làm lễ vật đem đến xin hàng mà ở Đại Việt không có, sai viên quan Đô úy Đỗ Hoàn chỉ tên từng thứ một. Có cái hộp bạc, hình như thanh kiếm, vua hỏi vật gì. Hoàn trả lời rằng đó là đồ của nước Chiêm từ xưa, người làm quốc vương phải có vật đó để truyền cho con cháu. Quân Thuận Hóa bắt sống Trà Toàn dẫn đến trước vua Lê Thánh Tông, nhà vua cho Trà Toàn được sống. Hôm ấy là ngày mồng 1 tháng 3 âm lịch (1471).
Ngày mồng 2 tháng 3 âm lịch (1471) vua Lê Thánh Tông hạ lệnh kéo quân về. Quân Đại Việt đã toàn thắng, Trà Toàn đã bị bắt. Nhưng một tướng của Trà Toàn tên là Bô Trì Trì chạy đến Phiên Lung, chiếm cứ vùng đất ấy, xưng là chúa Chiêm Thành; người này chiếm được một phần năm đất của nước Chiêm, sai sứ sang xưng thần, nộp cống, được Lê Thánh Tông phong làm vương. Ông lại phong vương cho cả Hoa Anh và Nam Bàn gồm 3 nước để dễ ràng buộc.
Cuộc tấn công của Đại Việt đã gây ra cái chết cho 60 000 quân và dân Chiêm Thành và khoảng 30 000 người bị bắt làm nô lệ. Kinh đô Vijaya (Chà Bàn) bị phá hủy. Do mất nước, rất nhiều người Chiêm đã phải di cư sang Khmer và bán đảo Malacca . Miền bắc của Chiêm Thành (từ đèo Hải Vân - Đà Nẵng đến đèo Cù Mông - Phú Yên ) được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Nhiều người Chăm bị ép làm nô lệ và bị buộc phải đồng hóa vào xã hội Đại Việt.
Sau khi Trà Toàn đã bị bắt, tướng nước Chiêm là Bô Trì Trì chạy đến Phan Lung, chiếm giữ đất Chiêm, xưng là chúa Chiêm Thành. Trì Trì chiếm giữ được một phần năm đất đai trong nước, sai sứ sang xưng làm tôi và xin vào cống nạp. Lê Thánh Tông phong cho Trì Trì làm vương, lại phong hai tước vương nữa ở Hoa Anh và Nam Bàn, gồm ba nước, để làm kế ràng buộc họ. Vùng đất từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia (thuộc tỉnh Phú Yên ngày nay) là nước Hoa Anh. Nam Bàn ở vùng núi phía tây nước Hoa Anh. Nước Chiêm Thành từ đây chính thức bị chia làm ba.
Phần đất Đại Chiêm và Cổ Lũy, vua Thánh Tông dùng người đầu hàng là Ba Thái làm Đồng tri phủ ở Đại Chiêm và dùng Đa Thủy làm Thiêm tri châu. Sau đó ông lệnh cho Đỗ Tử Quy làm Đồng tri châu giữ việc quân và dân ở Đại Chiêm; Lê Ỷ Đà làm Tri châu Cổ Lũy, giữ việc quân và dân ở Cổ Lũy, để đề phòng người Chiêm Thành làm phản.
5- Vua Lê Thánh Tông vẽ Bản Đồ Hồng Đức ghi nhận Quần đảo Hoàng Sa đầu tiên thuộc Đại Việt - Thừa Tuyên Quảng Nam .
25/4/1490: ra đời bản đồ quốc gia sớm nhất trong đó thể hiện rõ Hoàng Sa và Trường Sa .
 Bản đồ Hồng Đức, tức Hồng Đức bản đồ sách (chữ Hán: 洪德版圖冊), đôi khi được gọi là Hồng Đức địa dư là một bộ bản đồ địa lý của Đại Việt được ban hành vào đời vua Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 21 (tức năm 1490). Đây được coi là bộ bản đồ địa lý đầu tiên của Việt Nam thực hiện.
Bản đồ Hồng Đức được thực hiện vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467) khi vua Lê Thánh Tông ra lệnh 13 thừa tuyên (13 xứ) vẽ bản đồ từng thừa tuyên gửi về Bộ Hộ. Bản đồ được hoàn tất và ban hành vào năm Hồng Đức thứ 21 (25/4/1490). Tuy nhiên, bộ gốc của bản đồ đã bị thất truyền. Bộ bản đồ đã thể hiện phạm vi cương giới và hệ thống hành chính của nước Đại Việt vào nửa cuối thế kỷ 15.
Nhiều tài liệu cho biết, bản đồ thời Hồng Đức được biên soạn thành 5 tập gồm: Hồng Đức nhị thập nhất niên tứ nguyệt sơ lục nhật; Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư; Giáp Ngọ niên bình Nam Đồ; Cảnh Thịnh tân đồ Đại Man quốc; Cao Bằng phủ toàn đồ .
An Nam quốc đồ thời Hồng Đức (1490). Các xứ (13 xứ)ːQuảng Nam (廣南), Thuận Hóa (順化), Nghệ An (乂安), Thanh Hoa (清華), Sơn Nam (山南), Hải Dương (海陽), An Bang (安邦), Lạng Sơn (諒山), Thái Nguyên (太原), Tuyên Quang (宣光), Hưng Hóa (興化), Sơn Tây (山西), Kinh Bắc (京北), và phủ Trung Đô (中都府).
Đây là tập bản đồ quốc gia sớm nhất còn lại đến nay, trong đó vẽ rõ Hoàng Sa và Trường Sa. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xưa đã được các đời trước coi là một dải đảo dài, được gọi bằng các tên khác nhau như Bãi Cát vàng, Cồn vàng, Vạn lý Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa, Đại Trường Sa… Sách và các sử liệu từ triều nhà Hồ trở về trước đã bị mất nhiều trong cuộc xâm lược của quân Minh nhưng trong Hồng Đức bản đồ thể hiện rõ Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy từ trước đó hai quần đảo này đã thuộc chủ quyền Đại Việt.
Trên cơ sở Hồng Đức bản đồ, bộ sách Toản tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư (khoảng giữa thế kỷ 17) được biên soạn gồm 4 quyển. Trong quyển 1 ghi: “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, dựng đứng giữa biển”. Cùng với đó là một bản đồ vẽ nhóm đảo thuộc Quảng Ngãi, phủ Thăng Hoa với chú thích chữ Nôm là “Bãi Cát vàng”. Điều này tiếp tục được kế thừa trong nhiều bản đồ và sách của các đời sau.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn