VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG THƯƠNG NHỚ ! ĐOẠN KHÚC CUỐI CỦA VƯƠNG QUỐC CHIÊM THÀNH - NƯỚC NON BÌNH THUẬN - NAM TRUNG PHẦN.

12 Tháng Chín 20217:13 CH(Xem: 1727)
Lịch sử của ba trăm năm Bình Thuận, câu chuyện thần kỳ của một vùng đất cô tịch cọp ma, mà người Chiêm dùng làm trái độn giữa hai biên cương Chàm va Chân Lạp, nơi có bước vua đi và những triều đại dấy lên rồi tàn lụn. Ngai cao cuối cùng chỉ còn lưu lại những đền, tháp tắm thời gian mà cười với gió bên đường. Từ cuối thế kỷ XVII vào năm 1693, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh cùng đoàn quân thủy bộ Đại Việt, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, sau khi đã vượt qua hơn một trăm năm mươi dặm đường dài, từ phiá bên kia con sông Mai Nương của xứ Panran, qua Paric đại chiến với quân Chiêm tại chiến hào Sông Lũy, tới Ba Giai và cuối cùng dừng quân trên bờ sông Hamulithít. Từ đó miền đất này chính thức thuộc Việt Nam nhưng mãi tới năm 1898, Bình Thuận mới là một tỉnh riêng biệt .
Bình Thuận xưa , qua tài liệu của Đại Nam Nhất Thống Chí :
Sau cuộc nam chinh của vua Lê Thánh Tôn vào năm canh dần 1470, Chiêm Thành trở nên suy yếu vì lãnh thổ chỉ còn lại có Châu Panduranga, từ bờ nam sông Phan Lang vào tới tỉnh Bình Tuy ngày nay mà thôi. Tháng 8 năm Nhâm Thân 1692, Chiêm Vương là Bà Tranh lại tấn công Dinh Bình Khang nên bị Lệ Tài thần Nguyễn hửu Cảnh đánh đuổi. Chiêm Việt đã giao tranh ác liệt tại Sông Luỹ nhưng cuối cùng vẫn bại binh. Nhà vua và hoàng gia bị bắt, châu Panduranga được Chúa Nguyễn phúc Chu đổi là Thuận Thành Trấn năm 1693 nhưng loạn lạc vẫn triền miên trên vùng đất mới này, dù Chúa Nguyễn đã khôn khéo bổ con cháu Bà Tranh giữ các chức Khám Ký,Đề đốc, Đề lãnh..để tự cai tri dân mình. Thế nhưng chính sách vổ về trên vẫn vô hiệu và không dập nổi các biến cố chính trị triền miên, vì vậy năm 1697 Chúa Nguyễn bải bỏ Thuận Trấn và thành lập Dinh Bình Thuận. Như vậy tính đển nay, quê hương miền biển mặn đã có trên ba trăm tuổi. Tuy nhiên nhìn lại lịch sử, ta thấy Bình Thuận không được may mắn và hạnh phúc như cái tên hiền hòa mà tiền nhân đã khéo ban cho, vì gần như trong suốt ba thế kỷ qua, luôn thay ngôi đổi chủ, lãnh thổ có lúc bao la bát ngát rộng nhất nước, khi lại bị thu gọn chỉ từ Cà Ná tới Kê Gà, thậm chí có lúc tên còn bị xóa mất trên bản đồ VN từ năm 1976 cho tới tháng 12-1991. Nhưng cho dù có sao dời vật đổi, người và đất Bình Thuận vẫn luôn gắn bó trong tâm khảm hai tiếng Bình Thuận mà mẹ cha đã ban cho từ phút chào đời.
Xưa là nước ngoài cõi của Nhật Nam rồi thuộc đất Chiêm Thành ,năm Nhâm Thân 1693 vua Chiêm là Bà Tranh bị Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đánh bại, Hiển Tông Hiến Minh hoàng đế Nguyễn phúc Chu lấy đất Chiêm Thành đổi thành Thuận Trấn. Năm Đinh sửu 1697 đặt Dinh Bình Thuận, lấy đất phía tây Phan Rang lập hai huyện Yên Phúc và Hoà Đa thuộc Dinh, ngoài ra còn thống thuộc 4 Đạo Phan Rang, Phan Thiết, Ma ly và Phố Hải. Đời Duệ Tông Hiếu định hoàng đế Nguyễn phúc Thuần vào năm 1773, Tây Sơn chiếm Bình Thuận nhưng tới năm Quý sửu 1793 ,Thế tổ Cao Hoàng Đế Nguyễn phúc Ánh lại khôi phục được đất cũ.
Đồng bằng Bình Tuy : Đó là vùng giao tiếp giữa đồng bằng sông Cửu Long và cao nguyên Trung phần, đồng bằng Bình Tuy được tạo thành bởi phù sa men theo sông La Ngà và các con sông nhỏ như sông Phan, sông Dinh, suối Kiết, suối Vận..Đây cũng là vùng có những phù sa cồ sinh đất đỏ, nối tiếp giữa cao nguyên và đồng bằng. Riêng vùng phù sa cổ sinh hay là vùng đất xám có địa diện bằng phẳng nhưng có rất nhiều gò mối rải rác khắp mặt đất. Ngoài ra còn có nhiều trủng đất thấp, người địa phương gọi là trủng tù (dépression fermée), hoặc là những trũng tạo nên bởi sông suối. Trũng tù thường thấp hơn tầng đất xám 1-2m và có ảnh hưởng lớn tới hợp trạng đất đai trong vùng. Riêng loại đất xám tạo thành từ phù sa các sông ngòi lắng tụ trong một thời kỳ địa chất khá xưa, có thể từ đầu đệ tứ nguyên đại (pléistocène).
Vùng phù sa cận sinh có đất đai thường ẩm ướt nhưng chứa nhiều chất hữu cơ. Tại Bình Tuy, phù sa ven sông La Ngà mặc dù được coi là phì nhiêu nhất trong Thuận Trấn nhưng gần như bị bỏ hoang trong thời kỳ chiến tranh. Đất ở đây thuận tiện trong việc trồng mía, các loại cây ăn trái, tiêu, trầu. Ngoài ra sông La Ngà có rất nhiều cá, tôm, loon..nhiều đất trũng nên dễ đào ao ven sông thả nuôi các loại cá.
Tại Bình Thuận, sông Lòng Sông làm thành đồng bằng Tuy Phong ở phía nam suối Vĩnh Hảo. Sông Lũy chảy ra biển tại Phan Rí Cửa, phù sa làm thành đồng bằng Phan Rí. Sông Mao là phụ lưu của sông Lũy cũng tạo thành đồng bằng Hải Ninh và Phan Lý Chàm. Cuối cùng sông Cái ( sông Quao) chảy qua Phú Long và ra cửa Phú Hài, đã tạo thành đồng bằng Thiện Giáo. Sông Mường Mán và các phụ lưu, chảy ra biển tại cữa Thương Chánh, đã tạo nên đồng bằng Hàm Thuận và Phan Thiết.
Từ bao đời, ngoại trừ đất đai đã được canh tác thành vườn ruộng lúa hoa màu. Tại đây chỉ thấy toàn loại đất có nhiều cát rất khô khan. Riêng rừng thưa có rất nhiều tại Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết. Đây là một thảo nguyên, gồm nhiều loại cây có gai, chống chỏi được với gió nắng và sự khô khan. Đồng bằng Phan Thiết còn có loại đất đỏ như tại Lương Sơn, cát trắng và cát vàng dọc theo miền duyên hải từ Cà Ná vào tận La Gi, Cù Mi giáp giới với Phước Hải, tỉnh Phước Tuy.
Đất đai Bình Thuận, từ ngoài biển vào tới chân rặng Trường Sơn, gồm các loại đất Regosol trong cát trắng hay đỏ tại Phan Rang hay ấp Vân Sơn. Để trồng được loại rau cải trên đất này, phải tốn nhiều phân bón và nước tưới.. Đất phù sa các sông Kinh Dinh, Lòng Sông, Mao, Lũy, Cả và sông Mường Mán bồi đắp rất tốt, có thể lập vườn cây ăn trái, ruộng lúa, trồng hoa màu phụ và thuốc lá.. Đất nâu (Non Calci brown soils), có nhiều dưới tầng sâu tại vùng giữa quận Phan Lý Chàm và Thiện Giáo hoặc ngay trên mắt đất với lẫn lộn đá nuí, tại các vùng giữa Krong Pha-Tân Mỹ, nằm hai bên đường quốc lộ 11 từ Tháp Chàm đi Đà Lạt. Loại đất núi gồ ghề trên các ngọn đồi trọc chỉ thuận lợi trong việc hướng lâm, gây rừng .
Riêng các đồi cát ven biển Bình Thuận, đã chiếm một diện tích rất lớn. Nhiều nơi chỉ là đồi cát trọc , vừa không cầy cấy hay lập vườn được, lại chẳng có cây cối gì, nên ngày qua tháng lại để cho cát xâm thực nhất là nạn cát bay, tấn công sâu trong nội địa, từ phía nam Vĩnh Hảo đến Phan Rí Cửa, vùng Hòn Rơm tới Đá ông Địa..
Bình Thuận non nước hữu tình, nhất là Phan Thiết nơi có con sông Cà Ty , ngăn đôi bờ Phố Thị.
Sông phát nguồn từ cao nguyên phía Tây, dài 56 Km, chảy theo hướng Đông-Nam, quanh năm suốt tháng nước chảy xanh ngắt, như đôi mắt đẹp của những người con gái đất Phan Thành. Sông lững lờ xuôi ngược, qua những thôn làng ruộng rẫy, nương dâu và vướn cây ăn trái của các xã Mường Mán, Phú Hội, Phú Lâm, Phan Thiết, trước khi tìm về biển rộng tại cửa Thương Chánh, nhấp nhô sóng vỗ bạc ghềnh.
Đến chơi Bình Thuận xưa nay, khách xa ai cũng mến Lầu Nước, Sông Mướng, Cát Động và những mối tình thơ của người miền biển. Nhìn tấm bản đồ cỗ của Phan Thiết, lập trong giai đọan 1691-1725, ta thấy có ghi tên sông Cà Ty . Giống như con người, mỗi giòng sông ở trên cõi đời này, đều mang một cái tên, và cũng tuỳ theo chủ của nó, cái tên đẹp, xấu, thô lậu hay hoa mỹ được chào đời.
Cà Ty là con sông thiêng của Phan Thiết , chỉ khúc sông ở hạ nguồn chảy qua thành phố , hiện có ba chiếc cầu xinh xắn bắt ngang nối đôi bờ ...
Không nhớ rõ năm nào , nhưng chắc phải là sau Mậu Thân 1968 mới các nhà điêu khắc mới làm tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo . Tác giả chính là điêu khắc gia Trọng Nội. Ông này là điêu khắc gia nổi tiếng ở Sài Gòn thời trước năm 1975. Nhà điêu khắc Trọng Nội không chỉ là người vẽ thiết kế, trực tiếp thi công tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở bờ sông Cà Ty Phan Thiết, mà ông còn làm nhiều phù điêu trong Dinh Độc Lập của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu”.
Điêu khắc gia Trọng Nội. Ông này không chỉ là tác giả của bức tượng Đức Thánh Trần ở Phan Thiết, mà ông còn là tác giả của bức tượng Đức Thánh Trần ở đường Hiền Vương (Sài Gòn) dù bức tượng này khá nhỏ.
Các bức tượng tướng Trần Hưng Đạo chủ yếu được thiết kế, điêu khắc là cánh tay trái cầm gươm, tay phải chỉ xuống bên dưới.
Riêng tượng Đức Thánh Trần ở bờ sông Cà Ty thì đeo gươm phía trước, tay trái cầm dây đeo gươm, tay phải chỉ xuống sông Cà Ty.
Đặc biệt nhất, có lẽ không tượng Đức Thánh Trần ở đâu có, đó là tượng Đức Thánh Trần ở Phan Thiết còn có hai bức tượng khác, thấp hơn đứng hai bên tướng quân Trần Hưng Đạo. Hai vị tướng này một người là Yết Kiêu, còn một người là Dã Tượng. “Đây là điểm đặc biệt nhất, không có tượng Đức Thánh Trần ở đâu có tướng gia Yết Kiêu và Dã Tượng như tượng Đức Thánh Trần ở Phan Thiết” .
Truyền thuyết kho báu: Kho vàng Yamashita núi Tà u ?
Nhiều người tin rằng trong thế chiến II quân đội Nhật đã cướp bóc được rất nhiều của cải. Do không kịp vận chuyển hết về Nhật Bản, trước khi đầu hàng quân đồng minh, tướng Nhật Tomoyuki Yamashita đã đem một phần của cải đó cất giấu ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam.
Theo lời kể của nhiều người, một chuyến tàu chở vàng Yamashita đã đến khu vực núi Tà u xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận và chôn giấu kho báu ở đó, ước tính khoảng 4.000 tấn vàng. Theo lời ông Trần Ánh, ngụ Liên Hương, Tuy Phong, ông nội ông là ông Trần Mua làm cai đường sắt ở Ga Vĩnh Hảo khoảng năm 1943-1944.
Thời gian này ông Mua phát hiện trên núi Tà u đèn điện rất sáng và có 1 chiếc tàu rất lớn đậu ngoài biển cùng một số lính Nhật đứng canh gác vận chuyển gì đó lên đỉnh núi. Ông Mua đã kể lại cho con trai là ông Trần Băng, Trung đội trưởng Trung đội Bảo an ở Liên Hương.
Đến năm 1970, ông Băng nhận lệnh bảo vệ 4 người Hoa Kỳ đi trực thăng từ Sài Gòn ra. Những người này dùng cọc đánh dấu rồi lên trực thăng rời khỏi núi.
Sau năm 1975, ông Băng đã đưa con trai là ông Ánh lên núi và tự tay vẽ lại sơ đồ.
Sơ đồ đó sau này được ông Ánh giao lại cho ông Trần Văn Tiệp ở Sài Gòn , người đã bỏ 50 năm cho cuộc tìm kiếm kho báu núi Tà u.
Thận trọng bởi bất trắc, rủi ro và cả mưu mô…có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Hơn nửa thế kỷ nay, liên quan đến kho báu huyền thoại, hàng loạt bi kịch đã diễn ra, có cả không ít những cái chết bí ẩn.
Ban đầu chuyện kho báu Yamashita và cái chết bất đắc kỳ tử của viên sĩ quan Nhật Bản trong thương vụ bán bản đồ cho Ngô Đình Nhu, ông Trần Phương Tiệp (trong hầu hết giấy tờ thì lại ghi là Trần Văn Tiệp) hầu như không mấy lưu tâm. Đối với một người kinh doanh như ông, lợi nhuận thực tế của những chuyến buôn gỗ có sức hấp dẫn hơn nhiều. Nhưng những biến cố liên quan đến kho báu cứ liên tục xảy ra bên nách, nạn nhân lại gồm toàn những người từng quen biết, nên muốn hay không, ông Tiệp cũng chẳng thể thờ ơ.
Đầu tiên là chuyện vị già làng Suối Kiết. Sau thời gian dài câm lặng giữ khư khư bí mật chuyện đã từng thoát chết sau khi tham gia chôn kho báu, vị già làng Suối Kiết này đã bị những hành động úy lạo mị dân của tỉnh trưởng Bình Tuy hớp mất lòng tin. Được tỉnh trưởng Lê Văn Bường mời về tỉnh lỵ ở thị xã La Gi, sau đó đưa vào Sài Gòn và giúp Bường xác định vị trí kho báu Tánh Linh để chụp không ảnh từ máy bay trinh sát L.19, vị già làng đã không hề quay lại với buôn làng, cũng chẳng ai thấy ông ta xuất hiện ở đâu. Một sự mất tích kỳ quặc và phi lý nhưng vĩnh viễn không có lời giải thích.
Nạn nhân tiếp theo không ai khác hơn, chính là viên tỉnh trưởng. Vừa được thăng trung tá tháng 11/1960 thì bất ngờ ngày 10/5/1961, Bường bị Tổng thống Ngô Đình Diệm ký quyết định lột lon, bãi chức, bị ném vào buồng giam trong trại Lê Văn Duyệt chờ ngày ra tòa , ông bị kết án tử hình.
Nhưng án chưa thi hành, kịp đến đảo chánh 1 tháng 11, 1963 Tổng Thống Diệm và bào đệ cố vấn Nhu bị giết chết, ông Lê Văn Bường trốn thoát và nghe đâu qua sống lưu vong bên KamPuChia, đâu cuối năm 1972 hay đầu 1973 ông có về lại Bình Tuy .
Ông Trần Văn Tiệp là người quen biết thân của ông Lê Văn Bường tỉnh trưởng Bình Tuy .
Hiện ông Tiệp, dù đã 98 tuổi, vẫn tiếp tục việc truy tìm kho báu núi Tà u.
Kỹ sư Vũ Văn Bằng, đại diện của ông Tiệp, nói nhóm quan sát đã phát hiện được miệng hang chứa kho báu: "Kho báu chính nằm sâu dưới núi 45m, có đường dẫn vào dài gần 100m.
Tuy nhiên, khối lượng kim loại ít hơn rất nhiều so với con số mà cụ Tiệp đưa ra là 4.000 tấn vàng"...???
Hải Đảo Phú Quý:
Không phải là tình cờ mà người ta gọi Phú Quý là Hòn Thu. Vì tên này đã dựa vào hình thế của đảo nhìn từ xa rất giống con cá thu và ở đây, ngày xưa cũng có rất nhiều loại cá này. Cũng từ những ý nghĩ bình dân mộc mạc ấy, ngư dân bản địa đã gọi Phú Quý là Đảo Mực, vì thời gian gần đây, mực là nguồn lợi chính của dân trên đảo.
Dân chúng sống trên đảo, vì hoàn cảnh, nên phải vượt biển từ Phú Quý vào Phan Thiết bốn mùa tám tiết, ngoại trừ khi có bảo tố. Riêng những ai cần tới đảo, người ta hay chọn mùa sóng êm từ sau Thanh Minh tới Tết Trung Thu. Bởi vậy người trên đảo mới thuộc làu một bài vè nói về thời tiết biển Bình Thuận, mà ông cha đã truyền lại từ lâu đời: “Tháng giêng động dài, tháng hai động tố, tháng ba nồm rộ, tháng tư nam non, tháng năm co gió hợp Hòn, thổi lòn Nam Cú..” Núi Ba Hòn, Tà Cú là những địa danh quen thuộc của người địa phương. Từ Phan Thiết đi Phú Quý, trung bình mất 8 giờ và sự khởi hành cũng được căn cứ theo con nước và mùa trăng. Tháng bấc, ghe cập bến Tam Thanh còn mùa nam thì vào lạch Long Hải. Thuyền chạy được 2/3 đường, có thể nhìn thấy mõm núi Cấm nhô lên như chiếc vung và ngọn hải đăng ở phía sau. Đây là hai điểm tựa mà người xưa khi chưa có hải bàn, nhắm vào đó mà định hường, nên không bao giờ bi lạc.
Hiện Phú Quý là một huyện đảo, nằm ngoài khơi Phan Thiết về phía đông nam chừng 56 hải lý, có diện tích 16,52 km2 và dân số tính tới cuối năm 2002 là 22.000 người, trữ lượng hải sản của ngư trường ước tính chừng 58.000 tấn và khả năng khai thác hằng năm là 20.000 tấn. Trươc đó vào năm 1886, đảo có 11 làng nhưng dân số chỉ có 600 người. Năm 1930-1954, đảo còn 9 làng nhưng dân số cũng chỉ có 900 người. Thời VNCH, đảo trở thành Nha Đại Diện (1955-1958), quận Phú Quý (1958-1961), rồi thuộc Tuy Phong (1961-1966) và là Nha Phái Viên Hành Chánh, quận Hàm Thuận(1966-tháng 4/1975).Phú Quý nằm giữa biển khơi nhưng có nhiều phong cảnh đep, vẽ nên một bức tranh thủy mạc tuyệt vời của quê hương Bình Thuận, khiến cho nhiều người dù không sinh trưởng nơi cùng trời cuối đất này, cũng phải bâng khuâng thương nhớ chốn quê nhà, mỗi khi có dịp ra chơi biển.
Theo gia phả của Huỳnh tộc, một dòng họ lớn ở đây, thì vào năm 1761 nhằm đời Cảnh Hưng thứ 22, tổ của họ này là Huỳnh văn Đây, trong một chuyến đánh cá chuồn, bị bão tố trôi xuống phương nam và tắp vào đảo. Cũng theo lời ghi lại, thì đảo lúc đó có thổ dân sinh sống. Đảo rất lớn nhiều núi rừng, đất đai có thể trồng trọt canh tác, đầy bóng dừa và đặc biệt ngoài biển có rất nhiều tôm cá. Thế là đất lành chim đậu, người trước rủ người sau, lần hồi thành xóm làng đông đúc.
Được tạo thành bởi một chuỗi đảo, nên ngoài hòn lớn Phú Quý, còn có một số cù lao nhỏ khác là Hòn Đen, Hòn Đỏ, Hòn Trứng, Hòn Trào, Hòn Tranh.. Theo các nguồn sử liệu hiện còn, qua hàng trăm năm lịch sử, đảo Phú Quý cũng được thay đổi tên gọi nhiều lần như Cổ Long, Thuận Tình, cù lao Khoai Xứ, cù lao Thu, Hòn Lớn. Tất cả những cái tên dùng để gọi đảo, đều hàm súc ý nghĩa, chứ không phải bâng quơ, chẳng hạn như nhà Nguyễn gọi là Cổ Long vì từ phía đông nhìn vào đảo, thấy giống như hình rồng, mà đầu là đỉnh núi Cao Cát (85m), còn đuôi là núi Cấm (108m).
Thời kỳ Pháp đô hộ VN, thì đặt tên đảo là POULO CÉCIR DE MER. Gần đây lại tìm thấy nhiều rìu, cuốc và vật dụng làm bằng sắt thô, cho thấy trên đảo đã có dấu vết nguời ở từ lâu đời. Dân đảo hiện nay, hầu hết là hậu duệ của lớp người Đại Việt, sống dọc theo duyên hải Trung Phần từ Thanh Hóa vào tới Phú Yên, trong giai đoạn 1627-1672, thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Nhà cửa trên đảo trước đây thường làm theo kiểu dân Bình Định, mái lợp bằng ván dừa, trét đất nên rất mát.
Về nguồn gốc người Phú Quý, theo nhà văn Mỹ Khê, thì dân bản dịa rất hiếu hoà, mến khách. Toàn đảo có chín làng nhưng tiếng nói thì gần như lại khác nhau như xóm Núi Triều Dương nói giọng Phú Yên, người Xóm Chùa thuộc làng Mỹ Khê, Hội An phát âm gần giống Quảng Ngãi. Những người xóm Bầu, xóm Biển, Bãi Lăng.. gần làng Quý Thạnh, Thượng Hải, Hải Châu.. có gốc vừa Bình Định-Quảng Ngãi. Cuối cùng người Bãi Dừa và Xóm Rảy, thuộc Long Hải Tây và Đông, tiếng nói từa tựa dân Quảng Nam.
Điều này cho thấy nguồn gốc người Phú Quý, phát xuất từ lớp lưu dân Đại Việt đầu tiên tại miền duyên hải miền Trung từ Phú Yên ra tới Quảng Nam. Tuy thời gian đã xóa nhòa tất cả những vết tích đầu tiên tại đảo nhưng tập quán bản địa có nguồn gốc phát xuất từ Thuận Quảng như kiểu nhà, phong tục và nghề nghiệp, cho ta xác nhận phần nào nguồn gốc của dân chúng trên đảo.
Ngoài ra, vết tích người Chàm tại đây vẫn thấy nơi người Phú Quý qua hình ảnh cái gùi trên vai, mà ca dao còn nhắc tới ‘ngoài Hòn coi vậy mà vui, đi đâu cũng có cái gùi sau lưng ‘ Vì nằm xa đất liền, nên trước đây Phú Quý hoàn toàn sống cô lập và tự túc, do trên người dân trên đảo biết trồng bông nuôi tằm, kéo tơ dệt vải, vừa để đóng thuế gọi là vải thuế và thứ mịn để may mặc.
Hầu hết dân chúng Phú Quý theo tam giáo, nên trên đảo có nhiều chùa thờ Phật cũng như đình làng thờ Thành Hoàng, Thần Linh và Dinh Vạn thờ ông Nam Hải tức Cá Ông. Đặc biệt có chùa Linh Quang xây từ thời chúa Nguyễn Ánh còn bôn tẩu phục quốc. Theo truyền thuyết, chính vua Gia Long lúc đó chọn địa điểm xây cất. Trong chùa có một tượng Phật lớn tạc bằng đá gọi là đá nổi, đuợc vớt từ Hòn Tranh. Chỗ đá nỗi này, nay được gọi là Vũng Phật có phong cảnh rất đẹp . Ở đây còn có miếu Trấn Quốc thờ Đức Trần Hưng Đạo, tại Long Hải có miếu thờ Bà Chúa Xứ. Ngoài ra còn có Dinh thờ Thầy Chúa, vị thần bổn mạng của Phú Quý, rất được dân chúng trên đảo ngưỡng mộ và kính tin.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn