CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : NHỮNG TRẬN CHIẾN ĐẪM MÁU TẠI THỦ ĐÔ SÀI GÒN - NGÀY CUỐI CÙNG 30/4/1975 : LỰC LƯỢNG VNCH TỬ CHIẾN TẠI THỦ ĐÔ SÀI GÒN.

30 Tháng Tư 20219:00 CH(Xem: 4878)
(1573)
SÀI GÒN ƠI VĨNH BIỆT !
Ngày 30/4/1975, trên các cửa ngõ vào thủ đô Sài Gòn, những người lính Bộ binh, Nhảy Dù, Biệt kích Nhảy Dù, Biệt động quân, Thiết giáp, Thủy quân Lục chiến... đã đánh trận cuối cùng trong đời lính của họ ...
Tại cụm phòng tuyến khu vực từ ngã tư Quân Vận (gần trung tâm huấn luyện Quang Trung) đến cầu Tham Lươn Bà Quẹo; Bình Thới-Ngã ba Bà Quẹo; Bảy Hiền-Lăng Cha Cả, đơn vị Nhảy Dù phòng ngự tại đây đã nỗ lực ngăn chận Cộng quân. Những người lính Dù không hề nao núng, bình tĩnh chuẩn bị .

LIÊN ĐOÀN 81 BIỆT CÁCH DÙ TRẤN THỦ SÀI GÒN - HỔ XÁM PHẠM CHÂU TÀI ...
Đầu năm 1975 vì nhu cầu chiến trường, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù phải chia ra làm hai cánh quân hoạt động cách xa nhau. Đại Tá Phan Văn Huấn và hai Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 1 và Số 2 đang hành quân nhảy toán trong khu vực Bắc Tân Uyên, Biên Hòa. Riêng Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 3 do Thiếu Tá Phạm Châu Tài chỉ huy tăng phái cho Sư Đoàn 25 Bộ Binh hành quân tại Tây Ninh. Giữa Tháng Tư 1975, lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu gọi toàn bộ liên đoàn rút về trấn giữ Saigon, và được trải ra để hoạt động trong một vùng khá rộng chung quanh đô thành Saigon – Chợ Lớn – Gia Định.
Ngày 26 Tháng Tư, Đại Tá Phan Văn Huấn – Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn, sau khi nhận lệnh từ Bộ Tổng Tham Mưu, đã ra lệnh cho Thiếu Tá Phạm Châu Tài – Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 3 của Liên Đoàn, đem toàn bộ cánh quân do Thiếu Tá Tài chỉ huy, gồm một ngàn quân thiện chiến về phòng thủ Bộ Tổng Tham Mưu. Thiếu Tá Phạm Châu Tài chuyển quân xong thì trời đã về chiều. Tại Bộ Tổng Tham Mưu Thiếu Tá Tài được Đại Tá Tòng Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Bộ Tổng Mưu đón tiếp niềm nở.
Kế đó Đại Tá Tòng giao việc phòng thủ Bộ Tổng Tham Mưu lại cho Trung Tá Đức, Chỉ Huy Phó Tổng Hành Dinh phối hợp với quân số tăng phái của Thiếu Tá Phạm Châu Tài. Đó lần duy nhất Thiếu Tá Phạm Châu Tài được tiếp xúc với Đại Tá Tòng .
Thiếu Tá Phạm Châu Tài khựng lại trước đề nghị cố thủ bên trong vòng đai. Dường như cả hai vị sĩ quan của Bộ Tổng Tham Mưu mà ông tiếp xúc không một ai nắm vững khả năng của lực lượng Biệt Cách Dù, bởi vì cố thủ hay tử thủ gì đó không phải là chiến thuật sở trường của Biệt Cách Dù.. Từ Mậu Thân cho đến Mùa Hè 72, Biệt Cách Dù nổi danh nhất là đánh đêm trong thành phố.
Thiếu Tá Phạm Châu Tài thẳng thắn trình bày ý niệm phòng thủ của ông là tấn công địch trước, và được Trung Tá Đức đồng ý để Thiếu Tá Tài hoàn toàn tự do bố trí, trải quân của Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 3 của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.
Ngay từ khi mới ngừng xe ở trước cổng chính của Bộ Tổng Tham Mưu, Thiếu Tá Phạm Châu Tài đã nhìn thấy một điều, ông phải bung quân ra xa. Phải chặn địch quân CS ngay trên những con đường chính dẫn về Bộ Tổng Tham Mưu. Lúc đó trời đã nhá nhem tối, Thiếu Tá Tài tạm thời cho quân tập trung vào sân banh của Bộ Tổng Tham Mưu, và đó có lẽ cũng là một đêm hiếm hoi mà binh sĩ của ông tạm có thể coi là có dịp nghỉ ngơi, để lấy lại hơi thở cho chính họ, trước khi phải lao vào trận đánh cuối cùng ...
Trong thâm tâm Thiếu Tá Phạm Châu Tài, ông sinh ra ngay tại đất Gia Định này, lớn lên tại Sài Gòn nên ông có thể nhắm mắt cũng biết, để có thể ngăn chặn địch xung phong vào Bộ Tổng Tham Mưu, đơn vị của ông phải bung ra xa. Phải chặn đánh địch xâm nhập ngay từ khi chúng mới ló đầu ra ở Bà Quẹo, Ngã Tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Trung Tâm Tiếp Huyết, đường Võ Di Nguy… Với một địa bàn quá rộng như thế, phải cần quân số của cả Liên Đoàn, nghĩa là ba ngàn người. Thế nhưng toàn thể Liên Đoàn được đưa về Sài Gòn không phải chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là phòng thủ cho Bộ Tổng Tham Mưu. Rất nhiều nơi quan yếu khác cần đến những người lính Biệt Cách Dù, những người lính chuyên về đánh đêm trong thành phố.
Buổi chiều 28/4/1975 Biệt đội phòng thủ tại Lục Quân Công Xưởng được trả về cho Thiếu Tá Tài.
Đêm 29 Tháng Tư súng nổ ở nhiều nơi vọng về chỗ đóng quân của Thiếu Tá Tài. Binh sĩ dưới quyền ông chạm súng lẻ tẻ với địch ở nhiều nơi, nhưng các binh sĩ được bung ra, không bị một thiệt hại nhỏ nhoi nào.
Thiếu Tá Phạm Châu Tài cảm nhận được một điều là tinh thần chiến đấu cũng như hàng ngũ của đơn vị vô cùng vững chãi.
Một đêm trôi qua nhanh chóng ...
Tờ mờ sáng ngày 30 Tháng Tư 1975, Cộng quân tiến và Sài Gòn qua nhiều ngả. Thiếu Tá Phạm Châu Tài thầm nhủ là giờ phút cuối cùng đã điểm.
Ông liên lạc với các thuộc cấp, dặn dò họ những khẩu lệnh cuối. Qua các máy truyền tin, ông biết bộ binh của CS đã được các xe tăng dẫn đầu bứng các chốt kháng cự một cách nhanh chóng.
Phía trước của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, những khóa sinh chưa kịp ra trường đã tiến ra mặt trận, mặt trận đâu có xa xôi gì.
Bên ngoài vòng đai trung tâm huấn luyện chính là nơi trận chiến cuối cùng đang diễn ra.
Những người lính trẻ này đã có một bài thực tập tốt về chống chiến xa.
Hai chiến xa T-54 của CS đã bị bắn hạ tại đây.
Nhưng những chiếc khác vẫn cứ thẳng đường tiến về Saigon. Núp theo sau những chiến xa này, là những chiếc xe vận tải chuyển quân, trên đó chất đầy những cán binh CS, với quần áo còn có lá cây ngụy trang trên nón .
Tới Ngã Tư Bảy Hiền, cánh quân này bắt đầu đụng độ với Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật Số 3 của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, do Thiếu Tá Phạm Châu Tài chỉ huy, và bị bắn hạ một chiếc dẫn đầu tại Ngã Tư Bảy Hiền.
Những chiếc sau vẫn tuần tự tiến tới, thậm chí Cộng quân cũng không hề ngừng lại phản công tại những địa điểm có ổ kháng cự của những binh sĩ Biệt Cách Dù 81 .
Cánh quân này lướt qua để tiến về trung tâm thủ đô.
Các binh sĩ Biệt Cách Dù vừa đánh vừa rút theo với đà tiến của địch.
Hai chiếc tăng T-54 khác của Cộng quân bị bắn hạ ở cổng Phi Long, một chiếc bị bắn hạ ở Lăng Cha Cả.
Và bây giờ thì Cộng quân đã có mặt tại vòng đai của Bộ Tổng Tham Mưu.
Chớp nhoáng ... Hai phát M-72 nhá lửa ... Hai chiếc tăng T-54 Cộng quân bị hạ ngay gần cổng Bộ Tổng Tham Mưu ...
Các đơn vị VNCH đang nỗ lực đẩy lùi Cộng quân ra khỏi bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH .
Trước đó vài phút, chiến đoàn Biệt Cách Dù đang tung các đợt phản công để đánh bật địch quanh vòng đai .
Các binh sĩ Biệt Cách Dù 81 cũng đã rút về, tập họp khá đầy đủ chung quanh cấp chỉ huy của họ, và tuyến phòng thủ cuối cùng cũng đã thiết lập xong. Mấy trăm người lính Biệt Cách Dù 81 hướng súng về phía trước, mắt căng ra chờ địch quân CS tiến vào...
Vào khoảng hơn 9 giờ sáng của ngày 30 Tháng Tư 1975, qua tần số của máy truyền tin, Thiếu Tá Phạm Châu Tài nhận được lệnh của một sĩ quan Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu yêu cầu ngưng bắn.
Ông đã khước từ tuân hành lệnh này, và trả lời cho vị sĩ quan này là ông chỉ nhận lệnh trực tiếp với ông Tổng Tham Mưu Trưởng mà thôi.
Những người lính Biệt Cách Dù 81 vẫn giữ nguyên vị trí phòng thủ trong vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu...
:" AI CÔNG HẦU . AI KHANH TƯỚNG - TRÊN TRẦN AI . AI DỄ BIẾT AI !
:" THẾ CHIẾN QUỐC . THẾ XUÂN THU - THẾ THỜI THẾ . THẾ THỜI PHẢI THẾ !
PHI ĐOÀN TINH LONG AC119K :
Phi Công Trang Văn Thành và 7 quân nhân QLVNCH tử chiến bảo vệ Thủ Đô Sài Gòn .
+Tại Củ Chi, sau khi triệt thoái từ Tây Ninh, lực lượng bộ chiến Sư đoàn 25 Bộ binh đã cố gắng lập tuyến chận địch quân CS tại Củ Chi. Tại vòng đai Sài Gòn, Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, đã tổng điều động toàn bộ lực lượng cơ hữu và tăng phái để lập các cụm điểm chận địch tại các yết hầu trọng yếu vào Sài Gòn.
+Sáng ngày 27 tháng 4/1975, tình hình Thủ đô Sài Gòn đã trở nên sôi động khi Cộng quân bắt đầu pháo kích vào vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất...
Trưa ngày 29 tháng 4/1975, các vị tướng có thẩm quyền tại Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH đã ra đi. Đại tướng Viên rời Việt Nam từ chiều 28/4/1975 cùng với Chuẩn tướng Thọ (trưởng phòng 3); Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu trưởng Liên quân Bộ Tổng tham mưu kiêm Tổng cục trưởng Tiếp vận ra đi vào lúc 11 giờ 30 ngày 29/4/1975. Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô cũng đã "chia tay" với các cộng sự viên của mình từ sáng ngày 29/4/1975.
Tại phòng tuyến Củ Chi, tối 29/4/1975, toàn bộ quân trú phòng và bộ Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh mở đường máu về Hóc Môn. Riêng Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư đoàn và một Thượng sĩ cận vệ tên Ngọc đã phải thay nhau làm khinh binh với chiến thuật cá nhân để thoát khỏi vòng vây của Cộng quân. Cuối cùng vị tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh bị lọt vào tay địch quân CS khi ông và người cận về gần đến Hóc Môn.
Tại mặt Nam của Sài Gòn, ngay từ ngày 28/4/1975, bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô không còn quân trừ bị để giải tỏa áp lực của Cộng quân. Một liên đoàn Biệt động quân đang hành quân dọc theo quốc lộ 4 phía nam Bến Tranh đã được điều động về quận lỵ Cần Đước theo liên tỉnh lộ 5A vào buổi trưa và đặt dưới quyền điều động của bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Liên tỉnh lộ nối liền Chợ Lớn và Cần Đước cũng bị cắt nhiều đoạn nên các lực lượng VNCH không thể phá vỡ được các chốt chận của Cộng quân tại cầu Nhị Thiên Đường (khu vực này bị Cộng quân chiếm từ rạng sáng ngày 29/4/1975).
Trong khi trận chiến xảy ra tại nhiều nơi thì kho đạn Thành Tuy Hạ lại bị pháo kích nặng nề nên phát nổ nhiều nơi. Hệ thống truyền tin liên lạc với bộ chỉ huy Kho đạn bị mất vào lúc 1 giờ chiều. Xe tăng Cộng quân xuất hiện tại Cát Lái và bắn vào cầu tàu chất đạn chưa được bốc dỡ.
Từ sáng sớm ngày 30 tháng 4, tại các mặt trận quanh Sài Gòn và Biên Hòa, các đơn vị của Sư đoàn 5BB, Sư đoàn 18BB, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, các đơn vị Dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân... đều đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến để chận đánh Cộng quân.
Tại bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Thiếu tướng Lâm Văn Phát từ sáng sớm đã dùng trực thăng bay quan sát tình hình, vừa đáp xuống bộ Tư lệnh ông gọi máy liên lạc với Chuẩn tướng Tần, sĩ quan cao cấp nhất của Không quân vào lúc đó. Tướng Phát yêu cầu Tướng Tần cho các phi tuần khu trục liên tục oanh kích Cộng quân đang chuyển quân dọc theo con đường từ ngả tư Bảy Hiền lên đến Hóc Môn.
NGƯỜI ANH HÙNG PHI CÔNG PHI CƠ TRANG VĂN THÀNH VÀ BẢY DŨNG SĨ KHÔNG QUÂN.
TRẬN CHẾN CHƯA TÀN . Phi đoàn Tinh Long 821, AC119K - Không Lực VNCH tại Tân Sơn Nhất.
Sau hai tiếng đồng hồ chịu đựng trận mưa pháo long trời lỡ đất do Cộng sản dội vào phi trường Tân Sơn Nhất.
Khơi dậy cơn phẫn nộ của dũng sĩ Trang Văn Thành, con người không khuất phục định mệnh, không khoanh tay chờ địch đập pháo sát hại, không ngồi yên đợi kẻ thù tràn đến tàn sát “ Còn nhân viên, còn phi cơ, còn súng đạn, phải còn chiến đấu” .
Thành đã phân tích, so sánh và quyết định:
Chết vì bị đạn pháo kích của địch ở phi trường hoặc chết vì đạn phòng không của giặc trên không trung cùng ý nghĩa của sự chết.
Nhưng chiến đấu để chết là cái chết oanh liệt, vô cùng ý nghĩa của một quân nhân gan dạ có tránh nhiêm bảo vệ quê hương , vì dân, vì nước, vì sự an nguy của ngừoi thân, bằng hữu và bá tánh.
Thức trắng thâu đêm bay tên toàn cõi quê hương , trên không phận đường mòn HCM, để săn đuổi và diệt địch. Giờ đây, giặc đã tìm đến nhà . Tại sao lại phải cuối đầu rút cổ chờ chết trong bốn bức tường phi đoàn nhục nhã này?
Trang Văn Thành đã quyết định phải bay lên không, chiến đấu và diệt địch trước khi ông gục ngã vì kẻ thù.
Trung úy Phi công Trang Văn Thành mạnh dạn đứng lên, dõng dạc kêu gọi đồng đội, tự điều động phi hành đoàn dự bị của ông để bay lên không quyết tử chiến.
Dù thời điểm đó, Bộ Tư Lệnh Không quân, Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Quốc Phòng và Chính phủ VNCH đã tê liệt và bất lực .
Trung úy Thành đã xung phong quyết chiến với địch quân CS chứ không chịu thua dễ dàng.
Tinh thần của ông đã vực dậy tinh thần cho một số binh sĩ khác, quyết sống chết cùng vị sĩ quan can đảm trong giờ phút lâm chung của Sài Gòn…
Khi mọi chuyện đã chuẩn bị sẵn sàng, Trung úy Trang Văn Thành, Trung sĩ nhất Phan Quốc Tuấn, Trung úy Trần Văn Hiền, 1 Sĩ quan điều hành viên, Sĩ quan Hồng ngoại tuyến, 1 Hạ sĩ quan hỏa châu, Trung sĩ Chín và 1 Hạ sĩ quan vũ khí phi hành khác thành lập phi đội chiến đấu cùng chung chí hướng.
Trung úy Trang Văn Thành đã tự điều động một phi hành đoàn còn đầy đủ tinh thần chiến đấu và tự nguyện hiến thân cho đất nước.
Một phi hành đoàn duy nhất còn sót lại của Không Quân VNCH và của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà .
Họ đã làm nên trang chiến sử oanh liệt cuối cùng trong giây phút kết thúc chiến tranh Việt Nam .
Trung úy Phi công Trang Văn Thành – Phi vụ bay cuối cùng cùng “hắc đại bàng” AC-119K Tinh Long – Trận tử chiến lưu danh muôn thuở!
Trung úy Thành mồ côi cha từ nhỏ, vì cha ông là người làm việc cho chính phủ đã bị cộng quân phục kích trên sông... Mẹ của Thành đã gửi cậu bé vào trường thiếu sinh quân và nơi đó đã đào tạo nên người con anh hùng cho đất nước.
Những giây phút sau cùng tại phi trường Tân Sơn Nhất là thời khắc thật kinh hoàng và khó mà cảm nhận được nếu không trực tiếp đối mặt với tử thần, những đợt pháo kích như mưa của cộng quân, khi chúng đã rút kinh nghiệm từ thất bại nặng nề tết Mậu Thân 1968, khi chúng bị tiêu diệt tại những quãng đồng vắng ngoại ô Sài Gòn . Lần này, chúng chọn khu dân cư làm lá chắn, vì biết chắc “diều hâu” và “đại bàng” sẽ không nã đạn vào dân.
Chiếc AC119K đã xuất phát, đảo nhiều vòng thăm dò và bắt đầu bao vùng Sài Gòn .
Hòa lẫn tiếng động cơ là những loạt đạn pháo kích dữ dội của Cộng sản rơi vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Một bầu không khí hãi hùng của chiến tranh, Cộng sản tàn phá dữ dội cho mục tiêu cuối cùng, để đoạt lấy chính quyền từ tay của Chính phủ VNCH.
Hầu áp đặt một chế độ độc tài gian tham tại Miền Nam VN.
Sau khi đã quần thảo, quan sát và kiểm tra tình hình, Trung úy Thành quyết định đánh lên mạn Bắc của những cánh rừng ngoại ô gần khu Xóm Mới, Gò Vấp.
Với độ cao 2000 bộ, phi cơ đã nằm gọn trong tầm bắn trả của địch nhưng Trung úy Thành vẫn cố gắng đáp trả quyết liệt và hạn chế ảnh hưởng tới người dân vô tội. Trước đó chiến đấu cơ đã tiêu diệt một số lượng khá lớn cộng quân đang mai phụ ở khu vực này.
Phi cơ của Trung úy Thành rời khỏi phi đạo, rẽ mũi bay về bên trái, hướng tây của Thủ đô Sàigòn. Tránh né dân phòng không dầy đặc ở phía đông bắc phi trường Tân Sơn Nhất. Ông nhanh nhẹn cho phi cơ bay lên cao độ, làm các vòng chờ ở phía tây Thủ đô yên tĩnh, hầu quan sát tình hình chiến sự. Vừa mới bay lên không ông cần nhiều thời gian để quan sát, theo dõi và chọn lưa các mục tiêu trước khi ra tay xạ kích ...
Mất gần hai tiếng đồng hồ bay lượn trên bầu trời Đồng Tháp Mười ven đô, phía tây của thành phố Sài gòn chờ trời sáng, đồng thời quan sát kỹ lưỡng các mục tiêu.
Rồi con “ Hắc đại bàng dũng mãnh” lại xuất hiện trên bầu trời trong sáng Tân Sơn Nhất.
Bấy giờ, đã 7 giờ hơn. Mặt trời đang lên, thành phố Sài Gòn đang bừng sáng ở phía đông. Sân bay Tân Sơn Nhất đang bị san bằng, mịt mù khói lửa. Vài đám khói trắng để lộ các mục tiêu dàn đại pháo của địch đang rót vào phi trường. Tọa độ phát hiện tại những cánh rừng thưa gần xóm mới, hướng Bắc của quận Gò Vấp ven đô...
Giờ hành động đã điểm. Trước khi cho phi cơ bay vào mục tiêu, chuẩn bị trận đánh không địa của chiến đấu cơ AC119K. Trung úy Thành đã hội ý cùng phi hành đoàn lần cuối truớc khi ông quyết định đưa vào trận chiến.
Tất cả những gương mặt đều tự tin trong im lặng. Tất nhiên họ đã hiện diện trên phi cơ là họ chấp nhận một cuộc tử chiến, quần thảo với địch, cứu nguy thành phố Sài Gòn đang trong cơn sốt sụp đổ, sắp rơi vào tay địch.
Chính vợ con và thân nhân của họ cũng sẽ gánh chịu hậu quả của sự trả thù thê thảm sau một cuộc bại trận, do phe Cộng sản nham hiểm , độc ác sẽ chiến thắng. Không còn chọn lựa nào khác, nếu phải hy sinh.
Một giọng phát ra từ máy liên thoại phi hành đoàn:
:" Quyết định thi hành phi vụ này là chúng tôi đã chấp nhận sự hy sinh. Tùy theo quyết định của Trung úy. "
Trung úy Trang Văn Thành lái chiếc phi cơ bay bọc từ phái nam thủ đô Sài Gòn vòng lên hướng bắc để đánh vòng bay đầu tiên vào các mục tiêu đã được phi hành đoàn ghi nhận.
Một tràng liên thanh ầm ỹ, nòng súng minigun xoay tròn, khói bốc lên, lửa đỏ lóe sáng, 6.000 viên đạn tua tủa bay ra khỏi các nòng súng trong một phút, tạo thành những vệt đạn lửa trãi rộng gần một cây số, nằm trong tầm tác xạ của loại vũ khí độc hại này, địch sẽ không còn cơ hội sống.
Tiếp nối các vòng bay tấn công và diệt địch thứ hai rồi thứ ba. Tiếp tục cuộc chiến đấu đầy dũng cảm , cam go để bảo vệ thủ đô.
Mỗi một vòng bay trút hàng ngàn quả đạn đại bác 20 ly xuống đầu địch nơi ven đô.
Ba vòng bay tác xạ đầu tiên của phi cơ vào các tọa độ đặt dàn trọng pháo và hỏa tiễn của địch ...
Cộng quân đã phải im bặt trong hơn nữa tiếng đồng hồ, kể từ khi AC-119K Tinh Long xuất hiện và phản công trên bầu trời Sài Gòn.
Chiến sĩ không quân đang hiện diện trong phi truờng Tân Sơn Nhất tìm được một ít phấn khởi, ngơi ra khỏi hầm trú ẩn ngộp ngạt, tìm những giây phút thoải mái. Hàng triệu đôi mắt hướng về chiếc phi cơ Tinh long đang bay lượn ở hướng đông, sắp sửa nhả đạn, tác xạ vòng bay thứ tư xuống đầu địch quân Cộng sản.
Phi hành đoàn đã chiến đấu không mỏi mệt, không đầu hàng, không bỏ chạy...
Mỗi lúc chiếc phi cơ AC119K lại tiến sâu vào trận đại dày đặc phòng không, trọng pháo của địch quân đang cố xâu xé Thủ đô Sàigòn.
60 GIÂY ĐỐI DIỆN TỬ THẦN
Trung úy Thành đã hạ phi cơ xuống thấp hơn các vòng bay trước, để đánh địch quân và điều chỉnh. Ông hy vọng cao độ 2.000 bộ, với tầm tác xạ và hiệu quả hơn. Nhưng cao độ này khá nguy hiểm cho một loại vận tải cơ bay chậm chạp, nó nằm trong tầm bắn trả của phòng không và hỏa tiễn tầm nhiệt của địch. Trung úy Thành dự định sẽ rải 2 thùng đạn đại bác liên thanh 20 ly để phá hủy và dập tắt các nòng súng thuộc dàn đại pháo của Cộng quân , Những tọa độ ông vừa mới phát hiện được trong vòng bay đã qua.
Phi cơ của Trang Văn Thành chưa kịp tiến gần mục tiêu của địch.
Nó đã bay và lọt vào ổ phòng không bí mật phía đông phi trường. Địch đã im lặng, giữ bí mật đặt dàn phòng không này trong quận Gò Vấp, một khu phố nghèo nàn phía đông, bên ngoài vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất.
Tám nhân viên phi hành đoàn AC119K hiện diện trên phi cơ cùng một cảm nhận những tiếng nổ rung chuyển không gian, xung quanh chiếc phi cơ của họ. Dàn phòng không của địch đã đồng loạt nả đạn lên không, tấn công chiếc AC119K nổ rợp trời như pháo bông nổ giữa ban ngày.
Đợt tấn công đầu tiên gồm bốn quả phòng không đã không gây thiệt hại nào cho phi cơ.
Mấy giây tử thần ngắn ngủi trôi qua. Phi hành đoàn lại cảm nhận một tiếng nổ đơn độc khác, ảnh hưởng trầm trọng trực tiếp đến phi cơ.
Toàn thân chiếc máy bay rung chuyển dữ dội theo tiếng nổ. Họ đã kinh hoàng nhìn thấy lửa đỏ lẫn miếng đạn phòng không phóng ra, kèm tiếng nổ ấm và bịt kín từ trong lòng động cơ bên trái ...
Không còn nghi ngờ gì nữa! Họ đã biết chắc chắn chiếc phi cơ đã bị trúng đạn phòng không SA-7 của Cộng quân .
Phi công Trưởng dũng cảm, 28 tuổi. Trung úy Trang Văn Thành không hề nao núng.
Ông rất tin tưởng vào kinh nghiệm lái máy bay của ông, với hơn 2.000 giờ bay, ông đã trãi qua không biết bao nhiêu lần phi cơ bị hư hỏng phải đáp khẩn cấp an tòan.
Một trách nhiệm đặt trên vai người Trưởng phi cơ, phải làm mọi cách để đoàn viên phi hành của ông được toàn mạng. Tám sinh mạng trên phi cơ hiện đang nằm trong bàn tay tài nghệ của viên phi công trưởng phi cơ.
Trung úy Trang Văn Thành bình tĩnh, một bản tánh chung của những người phi hành, họ đã được trui luyện lòng can đảm, ngay từ những giờ bay đầu tiên, đó là sự bình tĩnh, hành động chính xác và phải làm mọi cách để được đáp bình an và toàn mạng.
Trung úy Thành vội vã hạ mũ và nghiêng phi cơ về bên trái, theo hướng phi đạo Tân Sơn Nhất, đang nằm ở hướng 3 giờ của chiến phi cơ. Trong ý nghĩ của Trung úy Thành đã có sẵn một quyết định rõ rệt.
Ông bình tĩnh dặn dò các nhân viên trong phòng lái.
:" Bằng mọi giá chúng ta phải mang phi cơ ra khỏi vùng đông đúc dân cư của Quận Gò Vấp. Nếu phi cơ của chúng ta không lết kịp đến phi đạo. Tôi sẽ quyết định cho phi cơ làm crash ngay tại các cánh đồng vắng xung quanh phi trường. "...
Thương ôi ! Gãy cánh Đại bàng ...
Anh đi ... Anh về đất !
Anh đi ... Anh về nước !
Cánh ngoài, bên trái của phi cơ đột nhiên gãy xấp lên không, lôi động cơ trái gãy đổ theo, rồi rã ra. Nó giựt mạnh những đường dây cáp điều khiển cánh lái nghiêng của phi cơ, làm đứt lìa, khiến cần lái phi cơ vuột khỏi tầm tay của viên phi công, rồi đập mạnh về phía trước bảng phi cụ.
Chiếc phi cơ không còn trong tầm tay điều khiển an toàn của ông nữa. Đồng lúc, 2 chiếc bàn đạp điều khiển cánh lái đuôi phương hướng cũng đập mạnh về trước, khi những dây cáp điều khiển nối liền từ cánh lái đuôi đến bàn đạp cũng bị giựt đứt lìa và rời khỏi phi cơ.
Thân phi cơ bắt đầu nghiêng đổ hẳn về một bên. Các đồng hồ ngưng hoạt động, tốc độ phi cơ đứng hẳn giữa bầu trời và chuyển đổi sang trạng thái rơi tự do. Hệ thống điện bị cắt đứt. Tất cả bắt đầu im lặng theo sự rơi chao đảo ...
Các động cơ đã hỏng vì sự rối loạn, tan rã của phi cơ. Tất cả kim đồng hồ dàn phi cụ, đồng loạt rớt xuống số 0. Cánh trái, thân nối liền đuôi phi cơ đã gãy đổ và rời khỏi phi cơ đang bay lơ lững trên không. Hệ thống điều khiển tê liệt...
Tâm hồn phi hành đoàn chìm vào bóng tối theo tiếng nổ long trời, hồn biến, xác tan, để đi vào cõi an lạc, chấm dứt một đời người kiêu dũng trên không trung.
Để rồi tên tuổi các anh vẫn sống mãi trong lòng người và lịch sử của Quân đội VNCH, với ý chí sắt đá “ hiến thân cứu nước” và quyết tâm “ vì dân diệt bạo”.
Những người con anh hùng của VNCH về với lòng đất Mẹ Việt Nam .
Có thể thấy những giây phút cuối đã thực sự viết nên những dòng lưu danh cho chiến sử không quân VNCH nói riêng và cả những nỗ lực của tất cả các binh chủng QLVNCH nói chung, đã thể hiện tinh thần chiến đấu cho quê hương vô cùng mãnh liệt, không sờn lòng khi vận nước lâm nguy. Các anh đã chấp nhận hy sinh thay vì đầu hàng số phận, dẫu biết trước kết cuộc nhưng trách nhiệm của một người quân nhân VNCH nhắc nhở các anh phải tiếp tục chiến đấu.
Tại vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu, một chiến đoàn thuộc Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù do thiếu tá Phạm Châu Tài chỉ huy đã dàn quân chận địch, từ đêm cho đến 10 giờ sáng, chiến đoàn 81 Biệt Cách Dù đã bắn cháy 6 chiến xa Cộng quân và nỗ lực đánh bật địch ra khỏi trận địa ...
Việt Nam ... Việt Nam .
Từ sáng sớm đến 10 giờ ngày 30/4/1975, trên các cửa ngõ vào thủ đô Sài Gòn, những người lính Bộ binh, Nhảy Dù, Biệt kích Nhảy Dù, Biệt động quân, Thiết giáp, Thủy quân Lục chiến... đã đánh trận cuối cùng trong đời lính của họ: 32 chiến xa và gần 30 quân xa Cộng quân bị bắn cháy, hơn 1,000 Cộng quân tan xác... Đó là chiến tích của người lính VNCH tại mặt trận Thủ Đô Sài Gòn trong buổi sáng cuối cùng của cuộc chiến .
Trong những giờ phút cuối cùng này, tại Sài Gòn, trái tim của Việt Nam Cộng Hòa, có rất nhiều sự kiện diễn ra dồn dập, những trận đánh hào hùng và bi tráng của một số đơn vị QLVNCH .
Cảm ơn anh, người chiến sĩ QLVNCH!
ANH HÙNG TỬ . KHÍ HÙNG BẤT TỬ .
( Phi đoàn Tinh Long 821 AC-119K sống sót Trung sĩ Chín bị chấn thương cột sống ).
Xem thêm Bài đã đăng 4/2020 CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : THIẾU SINH QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA - QUYẾT CHIẾN CUỐI CÙNG TẠI VŨNG TÀU 29/4/1975 - 30/4/1975 & CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : THIẾU TƯỚNG NGUYỄN KHOA NAM - TƯ LỆNH QUÂN ĐOÀN 4 VNCH . CHUẨN TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG - TƯ LỆNH PHÓ QUÂN ĐOÀN 4 VNCH .
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn