CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : NHỮNG TRẬN CHIẾN ĐẪM MÁU TẠI THỦ ĐÔ SÀI GÒN NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG THÁNG 4 . 1975

29 Tháng Tư 20219:20 CH(Xem: 4697)
(853)
Xem CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : NHỮNG TRẬN ĐÁNH QUYẾT LIỆT TRÊN VÒNG ĐAI PHÒNG THỦ SÀI GÒN - Huấn khu Long Thành : Những trận đánh ngày 26-28 tháng 4 năm 1975.
Tại vòng đai Sài Gòn, tuyến phòng thủ của Quân lực VNCH đã phải co cụm lại: vùng Tây Bắc còn lại tỉnh Biên Hòa, phía Đông còn Long Thành, phía Bắc còn Lai Khê, phía Đông Nam còn Hóc Môn.
Trong đêm 26 tháng 4/1975, Cộng quân đồng loạt tấn công khu Tân Cảng, cầu Biên Hòa và đài phát tuyến Phú Lâm.
TIỂU ĐOÀN 12 / LỮ ĐOÀN 4 NHẢY DÙ : đang bảo vệ dinh Độc Lập đã được điều động đến Tân Cảng và nhanh chóng quét sạch địch quân khỏi khu vực này...
Khoảng giữa trưa ngày 28/04/1975 một lực lượng Đặc công CS cấp đại đội một lần nữa tấn công và chiếm đóng phía đông đầu cầu xa lộ (Tân Cảng) và khu vực phía đông của cầu.
Địch sử dụng hỏa lực Thượng liên đặt trên lầu của hồ tắm Thiên Nga (nằm cách đầu cầu khoảng 100m) khống chế phần giữa cầu khiến đơn vị Địa Phương Quân (ĐPQ) từ phần đầu cầu phía Tây không thể tiến qua phản công được. Cộng quân đang tìm cách chiếm nốt cây cầu. Giao thông trên xa lộ giữa Sài Gòn và Biên Hòa bị gián đoạn.
Tiểu Đoàn 12 ND (TĐ12ND) trực thuộc Lữ đoàn 4 Nhảy Dù (LĐ4ND) được đặt trong tình trạng ứng chiến cho bộ Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô (BTL/BKTĐ), TĐ (-) bố trí trong khuôn viên của Thảo cầm viên Sài Gòn còn 1 Đại đội nằm tại khu vực BỘ Canh Nông ở góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phan Thanh Giản với nhiệm vụ trấn giữ cầu Phan Thanh Giản.
: Hai Đ/ĐPQ dưới quyền chỉ huy của Trung tá Tiểu khu phó Tiểu khu Gia Định (TKGĐ) đang phản công để tái chiếm đầu cầu nằm về hướng Biên Hòa. Hải quân Tân Cảng cung cấp tàu bè làm phương tiện vượt sông cho Tiểu Đoàn ND.
Tiểu Đoàn ND phối hợp với TKTĐ và Hải quân Tân Cảng để phản công tái chiếm phần cầu bị địch chiếm giữ và khai thông xa lộ trong thời gian ngắn nhất.
Ý định hành quân: Tiểu Đoàn 12 ND sẽ sử dụng của Hải quân Tân Cảng để vượt sông từ hai mặt nam và bắc của cây cầu và hai cánh quân sẽ tấn công các vị trí của địch từ hai gọng kìm này. Cánh quân A gồm BCH/TĐ và các ĐĐ 120, 123, 124 sẽ vượt sông từ khu vực cư xá Thanh Đa, cánh quân B do Thiếu tá TĐP Nguyễn Trọng Nhi sẽ vượt sông từ khu vực Tân Cảng với 2 Đ 121 và 122.
Khoảng 1500g toàn bộ Tiểu Đoàn ND dùng GMC từ Thảo cầm viên qua cầu Thị Nghè theo đường Hùng Vương rồi theo Hàng Xanh tới cầu Kinh. Tại đây cánh quân A được mấy chiếc giang đỉnh chở qua bờ sông Sài Gòn. Cánh quân B di chuyển bộ dọc theo các khu vực nhà ven sông để di chuyển về cầu Tân Cảng. ĐĐ 121 của Trung úy Nguyễn Văn Nam được Thiếu tá Nhi chỉ định nằm lại tại chân cầu làm lực lượng trừ bị và hỗ trợ cho cánh quân B vượt sông, phần còn lại gồm BCH nhẹ cùng Đ 122 của Đại úy Đỗ Việt Hùng được xà lan Hải quân đưa qua sông. Có lẽ do những tiếng súng nổ rền vang trên cầu nên ĐĐ 122 đổ bộ lên bờ đông sông Sải Gòn không bị địch phát hiện. Khoảng 1630g, ĐĐ 122 lặng lẽ vượt mấy con rạch nhỏ nằm song song với xa lộ và tấn công lên các lều của mấy quán giải khát dựng dọc theo bờ nam của xa lộ. Súng bắt đầu nổ và các binh sĩ nhảy dù nhanh chóng chiếm được một số lều do CS chiếm tại đó.
Mục tiêu cuối cùng là quán Cây Dừa cũng bị chiếm sau hơn 30 phút giao tranh. Một số địch nhảy xuống mấy con rạch để chạy trốn cũng bị rượt bắt, một số ít đầu hàng, còn phần đông bị thương do đạn bắn theo hoặc do lựu đạn ném xuống rạch.
Trong khi đó, cánh quân A sau khi vượt sông bắt đầu tiến nhanh qua khu làng Báo Chí rồi trực chỉ hồ tắm Thiên Nga. ĐĐ 124 của Trung úy Nguyễn Văn Tùng tiến chiếm chùa Kỳ Quang. Chùa này nằm cùng phía với hồ tắm Thiên Nga ở phía bắc ven xa lộ và cách hồ tắm khoảng hơn 400m. Từ chùa ĐĐ124 tấn công từ hướng đông thẳng xuống hồ tắm. ĐĐ 123 của Trung úy Sơn Bum dưới sự yểm trợ của súng cối 81 mm của ĐĐ 120 của Trung úy Thượng cũng bắt đầu tiến sát và tấn công hồ tắm từ hướng bắc. Khoảng 1800g làm chủ hồ tắm. Địch bỏ lại khoảng trên 10 xác chết. Trên lan can lầu xác hai xạ thủ thượng liên chân đều bị xích vào thành lan can. Cánh quân A bắt đầu lục soát về phía chân cầu.
Đến 1900g TĐ hoàn tất nhiệm vụ chiếm lại phần dầu cầu nằm ở hướng đông cùng dọn dẹp sạch sẽ khu vực này. Tổng kết hành quân, Tiểu Đoàn 12 ND tổn thất không đáng kể, địch để lại khoảng hơn 40 xác chết. TĐ bắt được hơn 20 tù binh, phần đông đều thuộc TĐ4 đặc công CS của quận Thủ Đức.
TĐ được lệnh bố trí phòng thủ khu vực phía đông của cầu. Khoảng 2000g Trung tá Lê Minh Ngọc cho lệnh TĐ gởi 1 ĐĐ lên trấn giữ khu vực ngã tư xa lộ - Thủ Đức.
Ngày 29/4/75 - Tình hình trong ngày vô sự. Khoảng 2200g một số quân xa chở binh sĩ và gia đình cùng thiết giáp từ hướng Biên Hòa đổ về Sải Gòn đều bị TĐ chận lại bên này cầu. Một vị Đại tá thuộc Quân đoàn III và một vị Trung tá mang bảng tên Quý yêu cầu TĐ cho nhóm gia đình quân nhân qua cầu vào Sài Gòn đồng thời cũng cho Thiếu tá Nhi biết là trên Biên Hòa đã được lệnh rút về Sải Gòn. Thiếu tá Nghiêm quyết định cho nhóm gia đình quân nhân này qua ngoại trừ mấy xe thiết giáp nằm lại phòng thủ chung với Tiểu Đoàn 12 ND . Thiếu tá Nghiêm cũng cho lệnh rút ĐĐ 123 của Đại úy Hùng đang trấn giữ tại ngã tư xa lộ - Thủ Đức rút về. Tình hình trong đêm tương đối yên lặng.
Ngày 30/4/75 - Khoảng 0730g Ngày 30/4/75 - Khoảng 0730g Tiểu Đoàn 12 ND nhận lệnh cho đoàn thiết giáp của Quân đoàn III vào Sài Gòn để họ bố trí dọc khu vực đường Hàng Xanh.
Khoảng 1000g Dương Văn Minh cho lệnh buông súng.
Tiểu Đoàn 12 ND họp các ĐĐT để cho họ biết tin này và sau đó để họ tùy nghi. Thiếu tá Nhi đã ngậm ngùi vứt hộp bấm ngòi nổ của khối thuốc nổ cỡ 2000kg TNT gài tại cần Tân Cảng xuống sông Sài Gòn .
LỮ ĐOÀN 3 KỴ BINH - CHUẨN TƯỚNG TRẦN QUANG KHÔI : Ngày 29-4-75 có lệnh mới của Quân Đoàn. Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III ngoài Liên Đoàn 33 BĐQ, được tăng phái thêm: Lữ Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù(- Tiểu Đoàn) và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, yểm trợ hỏa lực trực tiếp có: Tiểu Đoàn 46 PB 155 và Tiểu Đoàn 61 PB 106 Quân Đoàn.
12 giờ trưa ngày 29-4-75, Trung Tướng Toàn triệu tập một phiên họp khẩn cấp tại Bộ Tư Lệnh SĐ18BB ở Long Bình. Chỉ có Toàn, Đảo và tôi. Anh chỉ tay lên bản đồ ra lệnh cho SĐ19BB của Đảo phòng thủ khu vực Long Bình và kiểm soát xa lộ Biên Hòa, kế đó ra lệnh Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III của tôi phòng thủ bảo vệ thành phố Biên Hòa và đặt lực lượng ĐPQ và NQ của Tiểu Khu Biên Hòa dưới quyền kiểm soát của tôi. Sau này đi tù tôi mới biết ngay lúc này phía bên khu vực SĐ25BB ở Củ Chi đã bị địch chiếm, SĐ25BB đã bị đánh tan và Tướng Lý Tòng Bá đã bị địch bắt.
Nguyễn Văn Toàn giấu tôi và Lê Minh Đảo tin xấu này. Anh chuẩn bị sắp xếp để bỏ trốn. Vừa nhận nhiệm vụ xong, tôi chợt thấy xuất hiện Đại Tá Hiếu, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 43/SĐ18BB với giọng rung rung xúc động, Hiếu báo cáo: quân địch đang tấn công Trảng Bôm và Trung Đoàn 43 BB đang rút quân về hướng Long Bình, mặt Đảo cau lại, Toàn nổi giận la hét Hiếu bắt Hiếu phải đem quân trở lại vị trí cũ, Hiếu làm như tuân lệnh, chào và lui ra.
Trong thâm tâm tôi, tôi biết là mặt trận phía Đông Biên Hòa ở Trảng Bôm của SĐ18BB khó có thể cầm cự nổi vì SĐ18BB đã bị kiệt sức sau trận đánh lớn ở Xuân Lộc không được bổ sung. Sự sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian. Giao nhiệm vụ cho tôi và Đảo xong, Toàn đứng dậy bắt tay hai chúng tôi và nói: “Hai anh cố gắng, tôi sẽ bay về Bộ Tổng Tham Mưu xin yểm trợ cho hai anh.”
Về Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III, tôi liền họp các Lữ Đoàn Trưởng, Liên Đoàn Trưởng, Chiến Đoàn Trưởng và các Đơn Vị Yểm Trợ. Tiểu Khu Trưởng và Tiểu Khu Phó Biên Hòa đã bỏ trốn từ mấy ngày trước. Trước hết, tôi ban hành lệnh thiết quân luật ở Biên Hòa kể từ 15 giờ 00 ngày 29-4-75, chỉ thị cho các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân chung quanh thị xã Biên Hòa bố trí tại chỗ, ở đâu ở đó, không được rời vị trí, không được di chuyển. Cảnh sát Biên Hòa chịu trách nhiệm an ninh bên trong thành phố. Triệt để thi hành nguyên tắc nội bất xuất, ngoại bất nhập. Để phòng thủ bảo vệ thành phố Biên Hòa, tôi phối trí Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III như sau: Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù: Bố trí trong khu phi trường Biên Hòa, giữ mặt Bắc BTL/Quân Đoàn III.
- Lữ Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến: 1 Tiểu Đoàn bảo vệ BTL/Quân Đoàn III, Lữ Đoàn(-1 Tiểu Đoàn) bố trí phòng thủ mặt Nam BTL/Quân Đoàn III.
- Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù (-1 Tiểu Đoàn): Tổ chức phân tán thành nhiều Tiểu Đội chiến đấu nhỏ, giữ Cầu Mới Biên Hòa, giữ Cầu Sắt Biên Hòa và đặt các nút chận trên đường xâm nhập vào thành phố Biên Hòa.
- Chiến Đoàn 315: Bố trí án ngữ từ Ngã Tư Lò Than đến ngã Tư Lò Than (gần trại Ngô Văn Sáng).
- Chiến Đoàn 322: Bố trí án ngữ từ Ngã Tư Lò Than đến cổng phi trường Biên Hòa (trừ bị 1).
- Chiến Đoàn 318: Bố trí án ngữ từ cổng phi trường Biên Hòa đến Cầu Mới Biên Hòa (trừ bị 2).
- Pháo Binh: Kế hoạch yểm trợ hỏa lực.
- BTLLĐ3KB/Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III: Đặt tại tư dinh Tư Lệnh Quân Đoàn III.
Lúc 17 giờ 00 ngày 29-4-75, tôi dùng xe Jeep có hộ tống đi một vòng quan sát tình hình trong và chung quanh thành phố Biên Hòa. Tình hình chung có vẻ yên tĩnh, dân chúng không ra đường, phố xá đóng cửa. Vào khoảng 18 giờ 00, quân cộng sản bắt đầu xâm nhập vào mặt Bắc và Đông Bắc thành phố từ hướng phi trường đụng với quân Biệt Cách Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Giao tranh bắt đầu, 1 cánh quân Biệt Động Quân của Chiến Đoàn 315 cũng đụng địch ở gần trại Ngô Văn Sang. Địch bám sát vào tuyến phòng thủ mặt Bắc và Đông Bắc của quân ta. Hai bên bám trận địa nằm cách nhau 10-15 mét. Cho đến giờ phút này, quân ta chiến đấu vững vàng tự tin. Không có tình trạng bỏ ngũ. Dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của hỏa lực Thiết Giáp, quân ta đẩy địch ra xa tuyến phòng thủ.
Vào khoảng 23 giờ 45 khuya, địch bắt đầu pháo dữ dội vào thị xã Biên Hòa, chúng tập trung một lực lượng hỗn hợp bộ binh chiến xa cấp Trung Đoàn từ Ngã Ba Hố Nai – Xa Lộ tấn công về hướng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III. Chiến Đoàn 315 của Trung Tá Đỗ Đức Thảo xông ra chận địch. Hỏa lực chiến xa M-48 của ta áp đảo địch. Giao tranh quyết liệt. Một số chiến xa địch bị bắn cháy. Địch rút lui.
Lúc 02 giờ 00 sáng ngày 30-4-75, Tướng Lê Minh Đảo gọi tôi ở đầu máy PC-25: “Báo anh hay tôi bị quân địch tràn ngập, Long Bình đã bị chúng chiếm.” Tôi liền hỏi: “Anh hiện giờ ở đâu? Có cần gì tôi không?” Đảo đáp: “Tôi hiện ở gần nghĩa trang Quân Đội, đang rút đi về hướng Thủ Đức.” Tôi cảm thấy đau buồn và tội nghiệp Đảo vô hạn. Những năm cuối cùng của cuộc chiến, tôi và Đảo rất vất vả. Hai chúng tôi có mặt ở khắp các mặt trận, vì Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III của tôi là lực lượng cơ động số 1, và SĐ18BB của Đảo là lực lượng cơ động số 2 của Quân Đoàn.
Bọn cán bộ cộng sản rất căm hận hai chúng tôi vì đã gây cho chúng rất nhiều tổn thất nghiêm trọng và chúng coi hai chúng tôi là hai tên chống cộng “điên cuồng” nhất.
Vào khoảng 03 giờ 30 sáng, địch lại pháo vào Biên Hòa, lần này chúng pháo rất mạnh và chính xác. Tôi đoán chúng định tấn công dứt điểm Biên Hoà sau khi đã chiếm được Long Bình. Tôi chuẩn bị sẽ tung cả 3 Chiến Đoàn Thiết Giáp vào trận đánh quyết định, nhưng thật bất ngờ, chúng vừa xuất hiện 1 đoàn chiến xa dẫn đầu, bộ binh theo sau, liền bị Chiến Đoàn 315 đánh chận đầu và bọc sườn, chúng bèn rút chạy ngược ra xa lộ. Kể từ đó, thị xã Biên Hòa trở nên yên tĩnh.
Đúng 08 giờ 00 sáng ngày 30-4-75, tôi cố gắng gọi về Bộ Tổng Tham Mưu để liên lạc với Trung Tướng Nguyễn Hữu Có nhưng không được. Tôi liền họp các Lữ Đoàn Trưởng, Liên Đoàn Trưởng, Chiến Đoàn Trưởng và các Đơn Vị Trưởng Yểm Trợ. Chúng tôi trao đổi tin tức và thảo luận tình hình ở mặt trận, tình hình trong thành phố Biên Hòa. Áp lực địch bên ngoài không còn nữa. Chung quanh bên ngoài thị xã, chỉ có hoạt động lẻ tẻ của du kích, bên trong thành phố vắng vẻ. Đặc biệt đêm qua, tôi có cho tăng cường canh giữ nhà giam Biên Hòa. Không có tình trạng dân chúng xuống đường hô hào ủng hộ cộng sản. Tôi sung sướng nhất là thấy tinh thần của chiến sĩ ta rất tốt, không có tình trạng đào ngũ. Tuyệt nhiên cũng không có tình trạng hãm hiếp cướp bóc trong thành phố, các sĩ quan thi hành quân lệnh nghiêm chỉnh. Trong đêm qua có nhiều tốp lính bạn thuộc SĐ18BB rã ngũ định chạy qua thành phố, tôi ra lệnh chận lại , cương quyết không cho vào thành phố đang giới nghiêm vì sợ có tình trạng gây mất tinh thần rã ngũ giây truyền như đã xảy ra ở miền Trung trước đây.
Bây giờ là 08 giờ 30 ngày 30-4-75, tôi kết luận buổi họp: “Biên Hòa không còn là mục tiêu tấn công của địch nữa. Tôi nghĩ rằng giờ này các lực lượng chủ lực cộng sản đang tập trung tấn công Sài Gòn. Rõ ràng chúng bỏ Biên Hòa, dồn lực lượng đánh vào Thủ Đô. Chúng ta mất liên lạc với Bộ Tổng Tham Mưu. Bây giờ tôi quyết định kéo toàn bộ Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III về tiếp cứu Sài Gòn.” Tất cả các Đơn Vị Trưởng ủng hộ quyết định này của tôi.
Tôi liền ban hành Lệnh Hành Quân và điều động Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III tiến về Sài Gòn theo kế hoạch sau đây: Lấy đường xe lửa Biên Hòa-Sài Gòn và xa lộ Đại Hàn làm hai trục tiến quân chính.
a) Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù + Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù (-1 Tiểu Đoàn) do Đại Tá Phan Văn Huấn chỉ huy: Tiến bên phải đường sắt hướng Sài Gòn. Đến ngoại ô Bắc Sài Gòn, co cụm lại, bố trí bên phải đường sắt, chờ lệnh. b) Lữ Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến do Trung Tá Liên (TQLC) chỉ huy: Tiến bên trái đường sắt hướng Sài Gòn. Đến ngoại ô Bắc Sài Gòn, co cụm lại, bố trí bên trái đường sắt, chờ lệnh.
c) Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh + Liên Đoàn 33 Biệt Động Quân: Bố trí yểm trợ quân BCD, ND và TQLC rời vị trí phòng thủ, rút an toàn qua Câu Mới Biên Hòa trước. Sau đó, lấy xa lộ Đại Hàn làm trục chính, tiến về Sài Gòn theo thứ tự như sau:
- Chiến Đoàn 315 do Trung Tá Đỗ Đức Thảo chỉ huy: Đi trước, đến ngoại ô Bắc Sài Gòn, bố trí bên này cầu Bình Triệu, chờ lệnh.
- Chiến Đoàn 322 do Trung Tá Nguyễn Văn Liên (TG) chỉ huy: Đi sau CĐ 315, đến ngoại ô Bắc Sài Gòn, bố trí sau CĐ 315, chờ lệnh.
- Chiến Đoàn 318 do Trung Tá Nguyễn Đức Dương chỉ huy: Đi sau cùng, đến Sài Gòn, bố trí sau BTL và Đơn Vị Yểm Trợ, chờ lệnh.
Trước khi lên trực thăng Chỉ Huy, tôi duyệt đoàn quân lần cuối. Quân ta từ từ rời thành phố Biên Hòa trong vòng trật tự, trang phục chỉnh tề, tác phong nghiêm chỉnh, không hề nao núng, giống y như những lần hành quân trước đây khi còn Đại Tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy xông trận trên chiến trường Campuchia. Lúc này là 09 giờ 00 ngày 30-4-75.
Tôi gọi nhiều lần, gọi một cách tuyệt vọng, không có ai ở đầu máy trả lời. Rồi tôi gọi Trung Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu, cũng không liên lạc được. Lúc bấy giờ tôi nghe nhiều loạt đạn pháo binh địch nổ ở hướng sân bay TSN. Giờ này, các cánh quân Thiết Giáp của tôi cũng vừa đến Bình Triệu gần khu nhà thờ Fatima.
Trong khi tôi đang lúng túng trong việc liên lạc với BKTĐ và Bộ Tổng Tham Mưu, thì thình lình tôi nghe lời kêu gọi ngưng chiến đấu của Dương Văn Minh phát ra từ một máy thu thanh đâu đấy. Tôi nhìn đồng hồ tay: 10 giờ 25 phút.
Thế là hết. Kể từ giờ phút này, tôi tự chấm dứt quyền chỉ huy của mình và xem nhiệm vụ của LĐ3KB và Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III đến đây là kết thúc.
Tôi không có gì để nói thêm, chỉ thầm cám ơn tất cả các chiến hữu đã cùng tôi chiến đấu đến phút cuối cùng của cuộc chiến và cùng tôi giữ tròn khí tiết của người chiến sĩ đối với Quân Đội VNCH và Tổ Quốc VN.
AI CÔNG HẦU . AI KHANH TƯỚNG - TRÊN TRẦN AI . AI DỄ BIẾT AI ! THẾ CHIẾN QUỐC . THẾ XUÂN THU - THẾ THỜI THẾ . THẾ THỜI PHẢI THẾ !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn