NHỮNG NGÀY XƯA GHI DẤU SỬ XANH : (2/ 4 .1975 - 17/ 4 .1975) PHAN RANG - NINH THUẬN - QLVNCH THIẾT LẬP PHÒNG THỦ DUYÊN HẢI QUÂN ĐOÀN II .

02 Tháng Tư 20219:23 CH(Xem: 3264)
(1298)
Quân đoàn 3 lập phòng tuyến Ninh Thuận:
Sáng ngày 1/4/1975, các thành phần thuộc LĐIIIND và TĐ5ND được điều động để lục soát và giữ an ninh khu vực nội vi phi trường và vòng đai từ Bà Râu tới thị xã Phan Rang.
Ngay sau khi BTL tiền phương QĐ3 được thành lập tại Phan Rang (tỉnh lỵ Ninh Thuận), trật tự an ninh tại tỉnh này đã được vãn hồi. Đại tá Trần Văn Tự, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Ninh Thuận đã bỏ đi trong mấy ngày trước, ngày 2/4/1975 được lệnh trở về tái lập việc phòng thủ quanh thị xã và điều hành công việc hành chính trong tỉnh. Theo kế hoạch, lực lượng Địa phương quân được phối trí phòng thủ thị xã, bảo vệ cầu đường, các cơ sở và tham gia lực lượng giữ gìn an ninh tại thị xã và các vùng phụ cận.
Trong ngày này (2/4) Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù với quân số tại hàng 493 người do Thiếu tá Lã Quí Trang làm TĐT, Thiếu tá Trương Văn Vân làm TĐP, Đại úy Nguyễn Hữu Viên Trưởng Ban 3, được cấp tốc không vận bằng C-130 từ phi trường Tân Sơn Nhất đến Phan Rang để tăng cường lực lượng bảo vệ phòng tuyến. Trung tá Phát LĐIIIND liền xử dụng đơn vị này để kiện toàn an ninh cho phi trường và phối hợp với các đơn vị Địa phương quân trong việc giữ an ninh cho thị xã. Lực lượng nòng cốt để bảo vệ Phan Rang vẫn trông cậy vào các đơn vị Nhảy Dù. Với lực lượng mới được tăng cường và với sự yểm trợ không quân hữu hiệu, sự chỉ huy thống nhất, an ninh được tái lập, tình hình an ninh tại Phan Rang lắng dịu lại sau những ngày hỗn loạn.
Trong ngày, khi biết có tàu Mỹ đang lảng vảng ngoài vịnh Phan Rang để chở một số người, Trung tá Lê Văn Bút dùng trực thăng đáp trên một trong những tàu đó để chào hỏi và cho biết hiện tình ở Phan Rang. Tiếp đón và trả lời những điều muốn biết trong lối 1/2 giờ, Hạm trưởng thúc giục Trung tá Bút rời tàu. Xuyên qua lời tường trình của Trung tá Bút, rõ ràng là trong thời điểm đó, Mỹ không còn có ý định dính líu gì nữa đến cuộc chiến đang diễn tiến.
Ngày 4/4/1975 Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chính thức đến Phan Rang cùng với toán truyền tin kiểm thính đặc biệt thuộc Phòng 7 TTM, nhận trách nhiệm phòng thủ Phan Rang, và thiết lập Bộ chỉ huy Tiền Phương trong căn cứ của Sư đoàn 6 Không quân, nằm vào lối 5km Bắc Tây-Bắc của Thị xã Phan Rang. Ông cho biết là đã được thượng cấp chấp thuận gởi ra một số đơn vị chưa bị ảnh hưởng của việc rút quân để giữ Phan Rang. Bởi tin tưởng vào lời hứa hẹn này, nên Ông rất vui lòng đảm nhận chức vụ.
Vì địa thế của Phan Rang có nhiều thuận lợi cho việc phòng thủ, nên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đã quan niệm “Phải chống giữ mặt Bắc từ Du Long, mặt Tây từ Tân Mỹ và phải giữ an toàn cho căn cứ Không quân Thành Sơn, cũng như giữ an ninh cho thị xã phối họp với một số đơn vị Địa phương quân còn lại.” Ông đã cho các đơn vị trấn ngự như sau:
Mặt Bắc, trên Quốc lộ 1 trấn giữ các cao điểm tại đèo Du Long với một dãy chiến tuyến hùng hậu do các đơn vị Nhảy Dù trấn ngự cùng các tuyến phụ tại Ba Râu và Ba Tháp để ngăn chận mọi cuộc tấn công hướng vào thị xã, hoặc vào căn cứ.
Mặt phía Tây, trên Quốc lộ 11, án ngữ tại vùng Tân Mỹ, một chiến tuyến để chận địch và bảo vệ mặt Tây và Nam của phi trường. Bảo vệ an ninh cho thị xã và phi trường do các đơn vị chủ lực phối hợp với Địa phương quân phụ trách.
Ngày 3/4/1975, vài tin tức tình báo xác nhận Cộng quân xuất hiện ở Vườn Dừa, Ba Ngòi. Chúng nói với dân di tản vì có quân Nhảy Dù của ta ở phía trước nên chúng còn nấp chờ chi viện và khi lực lượng Nhảy Dù rút về Sài Gòn, chúng sẽ vào tiếp thu Phan Rang.
Các phi cơ quan sát được gởi lên bao vùng và chỉ điểm cho phi cơ A-37 đánh phá. Tướng Charles Timmes, phụ trách an ninh cho Tòa Đại sứ Mỹ, đến thăm căn cứ và nói sẽ sắp xếp cho người của ông thường xuyên ở lại đây, để chuyển tin ngay về tòa đại sứ. Ngày 4/4/1975 Đại tá Nguyễn Thu Lương, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn II Dù, với 2 Tiểu đoàn 7, 11 và Tiểu đoàn 1 Pháo binh cùng các Đại đội 2 Trinh sát, Công binh, Quân y, Truyền tin, Yểm trợ Tiếp vận lần lượt được không vận bằng phi cơ C-130 và C-119 từ phi trường Biên Hòa đến căn cứ Phan Rang để thay thế cho LĐIIIND. Trung tướng Nghi liền giao cho LĐIIND nhiệm vụ chiếm các cao điểm và tổ chức tuyến phòng thủ tại Du Long mặt Bắc và tại Tân Mỹ mặt phía Tây, tập trung lực lượng khi cần để chận không cho Cộng quân vượt qua Du Long. Xử dụng Tiểu đoàn 5 Dù của LĐIIIND hiện có mặt tại căn cứ giữ an ninh cho phi trường. LĐIIND ngoài nhiệm vụ phòng thủ Phan Rang còn thêm nhiệm vụ dò tìm các đơn vị thuộc LĐIIIND còn đang thất lạc trong vùng rừng núi Khánh Dương.
Cùng với cuộc chuyển quân của Lữ đoàn II Nhảy Dù, còn có các toán thám sát của Nha Kỹ Thuật đến hoạt động tại khu vực Đông Bắc và Tây Bắc Phan Rang.
Theo phân tích của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH, vào thượng tuần tháng 4/75, sau khi đã chiếm Nha Trang, Cam Ranh và các quận tỉnh Khánh Hòa, do bị thiệt hại nặng tại mặt trận Khánh Dương vì đụng độ với Lữ đoàn III Nhảy Dù, cộng quân cần phải bổ sung quân số, chưa đủ lực lượng để mở đợt tấn công lớn vào Ninh Thuận.
Các tin tức tình báo nhận được cho biết Sư đoàn 7 CS sau khi mở các cuộc tấn công vào Cao nguyên đã được điều động về hoạt động tại tỉnh Bình Thuận. Ngày 6 tháng 4 1975, Sư đoàn 7 CS này đã khai triển lực lượng hoạt động tại phía Tây Phan Thiết. Trong khi đó Sư đoàn 3 CS và một vài đơn vị của Sư đoàn F10 CS đóng cách Cam Ranh khoảng 50km về hướng Tây Bắc.
Kể từ ngày 4 tháng 4 1975, phòng tuyến Phan Rang được bảo vệ bởi nỗ lực chính là Lữ đoàn II Nhảy Dù với các Tiểu đoàn 3, 7, 11 Nhảy Dù, Đại đội Trinh sát 2 và các toán thám sát của Nha Kỹ thuật, lực lượng tiếp ứng này hoạt động tại hai khu vực Đông Bắc và Tây Bắc thị xã Phan Rang. Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn II Nhảy Dù là Đại tá Nguyễn Thu Lương. Ngoài 3 Tiểu đoàn Nhảy Dù nói trên, Lữ đoàn II Nhảy Dù còn được tăng cường Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù (đã tham chiến tại mặt trận Khánh Dương trong đội hình của Lữ đoàn III Nhảy Dù), và Tiểu đoàn 1 Pháo binh Nhảy Dù.
Sau khi bàn giao nhiệm vụ cho LĐIIND, LĐIIIND được không vận về Sài Gòn để chỉnh đốn lại đơn vị sau một thời gian dài tham chiến tại QK1 rồi QK2 với nhiều thiệt hại. Trung tá Trần Đăng Khôi, LĐP LĐIIIND ở lại cùng TĐ5ND với nhiệm vụ chính là dò tìm các binh sĩ còn thất lạc tại mặt trận Khánh Dương.
Ngày 5/4/1975 khi đơn vị cuối cùng của Lữ đoàn II Dù đến căn cứ, Đại tá Lương dùng trực thăng bay quanh vùng thám sát trận thế và sau đó ông đã điều động các đơn vị Nhảy Dù giải tỏa đoạn Quốc lộ 1, từ Thị xã đến Du Long.
Du Long là ranh giới của phía bắc tỉnh Ninh Thuận và phía nam quận Cam Lâm ( Cam Ranh ) - tỉnh Khánh Hòa .
Địa hình khu vực này khá đa dạng , núi đá và đồng ruộng tiếp nhau lan ra tới bờ biển . Trên tuyến Quốc Lộ 1 chạy ra căn cứ bán đảo Cam Ranh có con sông Trà Long chạy ra biển cách Du Long chừng 10 Km phía nam .
Tại nơi đây Anh Hùng Dân Tộc - Phi Công A-37 Ó Đen Lý Tống - Lê Văn Tống đã can đảm oanh tạc phá sập một bên cầu Trà Long phía biển . Nhằm cố gắng hết sức để ngăn chặn , cuộc tiến quân vào nam của quân đội CS .
Ó Đen Lý Tống đã sa cơ trên chiến trận mịt mù ...vào buổi chiều ngày 1 tháng 4 năm 1975 . Do bị trúng hỏa tiễn tầm nhiệt của cộng quân , khi phi vụ A-37 bay rất sát oanh tạc cầu Trà Long và phải bung dù thoát hiểm xuống đồi Dốc Sạn phía tây QL1 chừng 4 Km .
Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù lực lượng tăng phái - tiếp tục bảo vệ phi trường, tung quân quanh các vùng phụ cận để càn quét các tên du kích CS ẩn núp đâu đó và sẵn sàng tiếp viện cho Đại đội 2 Trinh Sát. BCH Tiểu đoàn trấn ngự tại một đầu cầu hướng về Tân Mỹ trên QL-11 đề phòng cộng quân tấn chiếm từ phía Tây.
ĐĐ 2 Trinh Sát do Trung úy Sáng làm Đại đội trưởng tiến về phía Tây phi trường khoảng 2km tái chiếm một tiền đồn do lực lượng của Đại Hàn thiết lập khi xưa, hiện đã bị một Trung đội du kích CS tấn chiếm.
Tiểu đoàn 3ND di chuyển bằng đường bộ từ phi trường tiến về phía Bắc dọc theo QL-1 chiếm Ba Tháp rồi di chuyển khoảng 4km đến Bà Râu để bắt tay với TĐ11ND.
Mở đầu chiến dịch, 3 Đại đội 31, 32 & 34 dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Trương Văn Vân TĐP, dàn đội hình theo thế chân vạt; Đại đội 32 của Đại úy Đinh Quốc Tuấn đi cánh phải, còn 2 Đại đội 31 của Đại úy Lê Bá Tường và ĐĐ34 của Đại úy Nguyễn Khoa Phúc đi cánh trái. TĐ3ND di chuyển theo những vạt lúa chín vàng hai bên QL-1 khoảng 6km thì tới Ba Tháp.
Tại đây, Đại đội 32 đã chạm súng với toán tiền sát của địch. Cộng quân lợi dụng 3 ngôi Tháp Chàm cổ tại đây để ẩn núp phục kích đơn vị xung kích của Nhảy Dù. Lực lượng Nhảy Dù phản công, xung phong tràn qua vị trí phục kích của địch quân. Sau 15 phút giao tranh địch quân bỏ chạy để lại tại trận 4 xác, tịch thu 4 AK-47, ta vô sự.
Sau đó, các Đại đội TĐ3ND tiếp tục tiến về Ấp Kiền Kiền, thôn Ba Râu (núi Đá Mài), tung quân lục soát và trấn ngự qua đêm tại đây… Ngày 6/4 BCH/TĐ3ND cùng ĐĐ30 đến đóng quân tại Kiền Kiền cùng với Đại đội 32. Riêng ĐĐ33 của Trung úy Lâm Mora đến đóng quân chung với 2 Đại đội 31 & 34 tại núi Đá Mài.
– Ngày này, Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù được SĐ6 Không Quân trực thăng vận đến phía Bắc của Ba Râu rồi tiến lên chiếm thôn Suối Đá, dưới chân ngọn đồi sừng sững mang tên “Núi Chúa”, và các cao điểm trọng yếu hai bên QL-1, đồng thời kiểm soát đoạn đường QL-1 tại quận Du Long.
– Tiểu đoàn 7ND tung quân lục soát và trấn ngự các cao điểm phía Bắc Phi Trường làm thành phần trừ bị cho LĐIIND.
– Tiểu đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù trưc tiếp yểm trợ hỏa lực cho Tiểu đoàn 3ND tiến chiếm Ba Tháp và Ba Râu. Sau khi TĐ3ND chiếm được Ba Râu, TĐ1PBND di chuyển một Pháo Đội 105ly đến Ba Râu để yểm trợ hỏa lực trực tiếp cho Tiểu đoàn 11ND tiến chiếm Du Long.
Trưa ngày 6/4/1975 các đơn vị Nhảy Dù hoàn tất mọi công tác một cách tốt đẹp. Quân cộng sản rút lui vào hướng núi phía Tây Bắc hoặc chạy về hướng Bắc. Trên đường tiến quân, Tiểu đoàn 3 Dù đã đánh đuổi địch quân chạy tán loạn khỏi Ba Tháp và Ba Râu.
Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù sau khi đáp xuống phía Bắc Ba Râu, tiến dọc theo mạn phải QL-1 chiếm giữ Du Long và thiết lập nút chận kiểm soát tại QL-1. Để yểm trợ cho TĐ11ND tiến quân, hai Đại đội của Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù đã hoạt động dọc bên mạn trái QL-1 để che cạnh sườn cho quân bạn. Tại nút chận Du Long Tiểu đoàn 11ND đã bắt sống 7 xe Molotova chở đầy đồ tiếp tế thuộc đoàn hậu cần địch cùng một số quân lính CS, vì ngỡ Phan Rang đã bị chúng chiếm, nên cứ ngang nhiên di chuyển.
Tại mặt trận phía Tây, phần lớn của Tiểu đoàn 5 Dù đã trấn ngự đầu cầu hướng về Tân Mỹ, để ngăn ngừa CS tấn chiếm từ hướng này. Trong căn cứ, Đại đội Trinh sát 2 Dù cũng đánh đuổi một số quân địch vừa lén lút xâm nhập và chiếm lại đồn Đại Hàn. Kết quả là trong ngày này, Phan Rang đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình vốn bị trì trệ từ khi Nha Trang và Cam Ranh thất thủ.
Trong ngày 9/4, Trung tá Lê Văn Bút, Không đoàn trưởng Không đoàn 72 Chiến Thuật, chỉ huy một đoàn 40 trực thăng HU-1B với 12 trực thăng võ trang cơ hữu cùng 8 trực thăng Chinook từ Biên Hòa biệt phái, lên Khánh Dương tìm kiếm và chở về các toán quân còn thất lạc của Lữ đoàn III Dù, thuộc các đơn vị Tiểu đoàn 2 và 6 Dù cùng một số quân của Tiểu đoàn 5 Dù khi mặt trận Khánh Dương bị tràn ngập.
Cùng đi có Trung tá Trần Đăng Khôi, Lữ đoàn Phó Lữ đoàn III Dù phụ trách liên lạc với các quân nhân thất lạc, chọn bãi đáp để bốc các toán này trở về. Bấy giờ khu vực Khánh Dương đã trở thành vùng địch kiểm soát, bay kèm theo có 2 phi đội A-37 yểm trợ.
Kết quả là đoàn trực thăng đã mang về đến căn cứ Phan Rang, hơn 600 người mà phần lớn là quân nhân của 3 Đại đội TĐ6ND do Thiếu tá TĐP Trần Tấn Hòa chỉ huy; cùng 2 Đại đội thuộc TĐ2ND của Thiếu tá TĐT Trần công Hạnh, cùng một số quân của Tiểu đoàn 5ND trong đó có Trung tá Bùi Quyền TĐT với một số ít dân sự chạy loạn đi theo. Toán này vào buổi chiều được chở toàn bộ vào Sài Gòn. Đoàn trực thăng 60 chiếc đã phải bay qua vùng địch chiếm với mọi hiểm nguy và bất trắc khôn lường. Cuộc hành quân trực thăng vận thành công tốt đẹp.
Trong thị xã Phan Rang, Đại tá Trần Văn Tự Tỉnh trưởng tiếp tục chấn chỉnh các phần vụ hành chánh, đồng thời lo chỉnh đốn hàng ngũ các đơn vị Địa phương quân.
Sau đó, BTL Tiền Phương Quân Đoàn 3 được tăng cường hai Trung đoàn 4 & 5/SĐ2BB và một số thiết vận xa để củng cố vị trí phòng thủ cho mặt trận này. Chiều ngày 9/4,Trung đoàn 4 của Sư đoàn 2 Bộ Binh, với quân số khoảng 450 người, từ Bình Tuy theo đường bộ vừa tới, được điều động thay thế TĐ5ND phòng thủ phía Tây Phi Trường Phan Rang và TĐ5ND được không vận về Biên Hòa để chỉnh bị đơn vị.
Các ngày 10 và 11/4/1975 tiếp theo, tình hình được yên tĩnh trong toàn bộ vùng Phan Rang. Bộ Tư Lệnh tiền phương đang trù tính kế hoạch chiếm lại Cam Ranh để sau đó lấy lại Nha Trang. Địch sau khi bị đuổi khỏi các địa điểm xâm nhập đang tập trung ém quân tại vùng Vườn Dừa ở Cam Lâm chờ đợi viện quân.
Đêm đêm, bên dãy núi phía Tây, các chiến sĩ Dù nhìn thấy những ánh đèn pin lập lòe của đoàn quân cộng sản , đang di chuyển tiến sát bao vây phi trường. Thiếu tá Thành TĐT/TĐ11ND đã gọi pháo binh bắn suốt đêm nhưng vẫn không ngăn chận nổi. Vị trí phi trường Phan Rang nằm sát chân núi, là điểm phòng thủ rất bất lợi.
Ngày 12/4/75 bất trắc trong việc phòng thủ Phan Rang.
Lệnh từ Quân đoàn III cho biết sẽ rút Lữ đoàn II Dù vào ngày 13/4/75 và thay bằng Liên đoàn 31 Biệt động quân với 3 Tiểu đoàn 31, 36 và 52BĐQ, và Sư đoàn 2 Bộ Binh với 2 Trung đoàn 4 & 5, cùng 2 Pháo Đội và 2 Chi đội Thiết vận xa. Liên đoàn 31BĐQ vừa rút khỏi Chơn Thành, sau nhiều ngày tác chiến gian khổ với nhiều tổn thất, chưa kịp nghỉ dưỡng quân và bổ sung, thì được tung ra tiền tuyến với quân số thiếu thốn trầm trọng.
Sư đoàn 2 Bộ binh cũng vừa tháo chạy từ Quảng Ngãi, vừa tập trung tại Bình Tuy và đang được bổ sung quân số thì được lệnh phải ra Phan Rang, trong khi cả đơn vị hãy còn hoang mang, dao động. Vì chưa kịp bổ sung thiết bị, đơn vị này phải thu lượm một số pháo và thiết vận xa để mang theo cùng với các Trung đoàn ra Phan Rang bằng đường bộ.
Toán Truyền Tin Kiểm thính/Bộ Tổng tham mưu /Phòng 7 báo cáo vừa phát hiện rộ lên nhiều liên lạc vô tuyến của các đơn vị địch xung quanh Phan Rang.
Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng Tư lệnh Sư đoàn Dù và Trung tướng Trần Văn Minh Tư lệnh Không Quân, cùng đến thám sát công cuộc phòng thủ. Cả hai vị đều tỏ ý bất đồng về việc điều quân này. Trung tướng Minh nói để căn cứ không quân làm tiền đồn là sai lầm, vì khi hữu sự dưới lằn đạn pháo thì không thể sửa chữa, trang bị cho phi cơ có khả năng hành quân như yêu cầu được. Chuẩn tướng Lưỡng cũng nói, muốn giữ Phan Rang làm bàn đạp để lấy lại Cam Ranh và Nha Trang, tại sao lại rút đơn vị đang chiến đấu tốt mà thay bằng 2 đơn vị đã từng vội vã rút quân và còn đang chờ đợi bổ sung quân số. Trung tướng Nghi cũng bất ngờ vì không có được những đơn vị như đã hứa trước lúc ra nhận trách nhiệm phòng thủ Phan Rang.
Ngày 13/4/1975 Đại tá Nguyễn Văn Biết, chỉ huy trưởng Liên Đoàn 31 Biệt Động Quân và 3 Tiểu đoàn 31, 36 và 52 cũng vừa từ Biên Hòa tới bằng phi cơ C-130. Quân số Liên Đoàn gồm khoảng 1,000 người. Các đơn vị liền vội vã đến thay thế vào các địa điểm đóng quân của lực lượng Nhảy Dù tại Du Long và Ba Râu. Tiểu đoàn 31 trám tại Du long, Tiểu đoàn 36 trám từ Ba Râu đến Cà Đú và Tiểu đoàn 52 làm trừ bị. Đang thay quân thì bắt đầu chạm súng với các toán thăm dò của địch.
Sau khi bàn giao khu vực trách nhiệm cho các đơn vị bạn, Đại tá Lương LĐT/LĐIIND dự định cho BCH Lữ đoàn cùng TĐ7ND được bốc đi trước, kế đến là TĐ11ND rồi TĐ3ND và sau hết là các đơn vị yểm trợ. Toàn bộ Lữ đoàn sẽ di chuyển hoàn tất trong ngày 14/4 ngoại trừ TĐ1 Pháo Binh phải lưu lại vài ngày để yểm trợ cho Liên Đoàn 31 BĐQ đến khi có đơn vị pháo binh khác đến thay thế.
Buổi chiều ngày 13/4, toàn bộ TĐ7ND và các thành phần trang thiết bị nặng của BCH/LĐ được chuyển vận về hậu cứ tại Biên Hòa. TĐ11ND cũng đã bàn giao nhiệm vụ phòng thủ Du Long lại cho đơn vị BĐQ. Bộ chỉ huy Tiểu đoàn cùng Đại đội 113 và ĐĐ114 di chuyển vào trong phi trường. Hai Đại đội còn lại do Thiếu tá Giới TĐP chỉ huy đang chờ thay quân tại mạn phải QL-1. Tiểu đoàn 3ND vẫn còn trú đóng tại Ba Râu.
Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh, cùng Trung đoàn 5 vừa đến Phan Rang với khoảng 400 quân, được giao nhiệm vụ bảo vệ mặt Nam căn cứ và phi trường vì Lữ đoàn II Dù đã hết nhiệm vụ và đã bàn giao với Trung đoàn 4 hôm trước. Lực lượng Pháo binh chỉ có 1 Pháo đội 105ly hiện diện tăng phái cho Tiểu khu trong đó có một Trung đội đóng tại An Phước, phía Nam phi trường lối 10km.
Thị xã được phòng vệ bởi khoảng 1 Tiểu đoàn Địa phương quân còn lại. Cùng lúc, Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, theo lệnh, đề cử Đại tá Trương Đăng Liêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 giữ chức vụ Tỉnh Trưởng Phan Rang thay Đại tá Trần Văn Tự. Sau khi bàn giao khu vực quận Du Long cho Biệt động quân, BCH/TĐ11ND đang trên đường rút về phi trường thì cộng quân bắt đầu khai hỏa pháo kích vào đơn vị BĐQ vừa nhận vị trí, vì chúng nhận được tin TĐ7ND đã rút về Sài Gòn hôm qua. Do đó buổi tối, BTL/QĐ3 gởi công điện khẩn yêu cầu Lữ đoàn trưởng và BCH nhẹ của Lữ đoàn II ND ở lại đi chuyến bay sau cùng.
Ngày 14/4/1975 để dự phòng cho những ngày tác chiến sắp tới, Bộ Tư lệnh Không quân cũng vừa gởi đến một phi cơ C-47 để tăng cường phương tiện hành quân cho Bộ Tư lệnh tiền phương...
(Trận chiến tại phòng tuyến Phan Rang bắt đầu ngày 15 tháng 4 năm 1975 sẽ tiếp trong NHỮNG NGÀY XƯA GHI DẤU SỬ XANH : ANH HÙNG DÂN TỘC VIỆT NAM : LÝ TỐNG (LÊ VĂN TỐNG).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn