SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : CÔNG ƯỚC PHÁP - THANH 1887 VÀ SỰ THIỆT HẠI LÃNH THỔ ĐÔNG BẮC VIỆT NAM .

19 Tháng Mười Hai 20206:35 CH(Xem: 3433)
Sách Việt Nam sử lược chép:
Thực dân Pháp tấn công thành Lạng Sơn tháng 1 năm Ất Dậu (1885 )
…Thiếu tướng De Négrier trước đã lên đồn Kép, dương thanh thế tiến binh, rồi lẻn về đồn Chũ đem quân qua đèo Vân, lấy đồn Đồng Sơn tức là đồn Sung, rồi sang lấy Tuần Muội (tên cũ của ải Chi Lăng).
Quân Tàu đang giữ ở mạn Bắc Lệ, thấy quân Pháp đã chặn mất đường về, liền rút quân chạy. Thiếu tướng De Négrier đem quân đánh tràn lên đến Lạng Sơn, trưa hôm 29 tháng Chạp thì lấy được thành . Đánh từ ngày 25 đến 29 tháng Chạp, quân Pháp thiệt mất 40 người tử trận và 222 người bị thương.Lấy xong thành Lạng Sơn, quân Pháp nghỉ ngơi mấy ngày, rồi lại tiến lên đánh Đồng Đăng. Quân Tàu chạy phân ra làm hai ngả: một chạy lên Thất Khê, một ngả chạy lên cửa Nam Quan về Tàu. Đến ngày mồng 8 tháng 1 năm Ất Dậu (1885), thì Thiếu tướng De Négrier lên đến cửa Nam Quan, truyền phá Ải quan, rồi trở về giữ Lạng Sơn....
Quân Tàu tuy đã thua phải bỏ thành Lạng Sơn, nhưng quan Đề đốc Quảng Tây là Phùng Tử Tài vẫn đóng lại đồn ở Long Châu, chực sang đánh lấy lại Lạng Sơn.
Ngày mồng 6 tháng 2 năm Ất Dậu (1885), Quân Tàu sang đánh Đồng Đăng, Thiếu tướng De Négrier đem quân lên cứu, rồi chờ đánh sang Long Châu. Quân Pháp đánh trong 2 ngày, chết hại mất non 200 người. Đến mồng 8, Thiếu tướng rút quân về Lạng Sơn, còn những người bị thương thì đem về đồn Chũ. Quân Pháp đóng ở Lạng Sơn bấy giờ có 35.000 người.Ngày 13 thì quân Tàu tràn sang đánh Kỳ Lừa. Thiếu tướng De Négrier bị thương nặng, phải giao quyền lại cho Trung tá Herbinger, để chống với quân Tàu. Nhưng bấy giờ quân Tàu sang đông quá, Trung tá phải bỏ thành Lạng Sơn rút về Tuần Muội, rồi về đồn Chũ và đồn Kép....Bên Pháp tiếp được điện tín của Trung tướng Brière de I’ Isle đánh về nói quân Pháp phải bỏ thành Lạng Sơn, thì lòng người náo động cả lên. Thủ tướng Jules Ferry phải từ chức.
Theo sách Đại cương lịch sử Việt Nam tập II, thì sau hai tháng ráo riết chuẩn bị, quân Pháp mới dám tiến quân đánh chiếm Lạng Sơn (23 tháng 2 năm 1885). Đội quân thực dân đánh thọc sâu vào Long Châu, cách biên giới 80 cây số trong nội địa Trung Quốc, cốt để buộc Bắc Kinh phải sớm ký kết điều ước mới. Nhưng đêm 21 rạng sáng 22 tháng 3, quân Thanh bất ngờ phản công, tiến lên chiếm lại cửa ải Nam Quan, đuổi quân Pháp đang đóng giữ ở đó phải bỏ chạy về Đồng Đăng.
Sau đó, quân Pháp do tướng De Négrier chỉ huy đã phản công mạnh mẽ, vượt qua cửa ải trên, liên tục đánh phá các đồn quân Thanh trên con đường Nam Quan - Bằng Tường. Nhưng rồi quân Pháp lại bị đánh bật trở lại, phải rút về phía bên này biên giới, rồi hỗn loạn tháo chạy về Lạng Sơn ngày 26 tháng 3, bỏ lại trên chiến trường nhiều xác lính chết, lính bị thương và quân trang quân dụng.
Tại Lạng Sơn, quân Pháp chưa kịp chấn chỉnh lại đội ngũ, thì ngày 28 tháng 3 quân Thanh lại tiến đánh Kỳ Lừa, sát thành Lạng Sơn. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, Đại tá Herbinger (Việt Nam sử lược ghi Trung tá) chỉ huy thay tướng De Négrier vừa bị trọng thương, liệu thế không giữ được Lạng Sơn nên phải ra lệnh rút chạy về Phủ Lạng Thương ngay trong đêm đó. Dọc đường chạy tháo thân, quân Pháp đã vứt cả súng đại bác, hòm đạn; quẳng cả đồ đạc, hành lý xuống sông, đốt giấy tờ sổ sách, đập vỡ cả máy điện tín. Mãi đến ngày 1 tháng 4, quân Pháp mới về đến đồn Chũ...
Chính phủ Pháp thấy sự chiến tranh không lợi bèn ký tờ giao ước đình chiến với nước Tàu .
Công ước Pháp – Thanh 1887 hay còn có tên là Công ước Constans 1887 (tiếng Pháp: Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin), được thực hiện giữa Pháp và nhà Thanh, vào ngày 26 tháng 6 năm 1887, nhằm thi hành Điều khoản 3 của Hòa ước Thiên Tân 1885 mà hai bên đã ký năm 1885. Nội dung của công ước này nhằm phân chia lại đường biên giới giữa Bắc Việt và Trung Hoa .
Trong quá trình hai bên tiến hành phân chia đường biên giới; đại diện nhà Thanh là Lý Hồng Chương đã nói với đô đốc Pháp Rieunier: " nước Pháp đã đạt được nhiều quyền lợi khi chiếm được Bắc Kỳ, một nước chư hầu của Trung Hoa 600 năm nay; việc này là nhờ trung gian của tôi. Nó đã gây cho tôi nhiều phiền phức; tôi nghĩ rằng một sự đền bồi dưới dạng nhượng vài vùng đất nhỏ trên vùng biên giới là cần thiết."
Pháp nghe nói và cũng muốn để cho Trung Hoa công nhận sự chiếm đóng Bắc Kỳ của Pháp và không gây khó khăn nên đã nhân nhượng và thực hiện cắt một số đất đai ở Hà Giang và Quảng Yên giao cho nhà Thanh.
Biên giới trên đất liền​
1.Cắt 3/4 đất tổng Tụ Long thuộc tỉnh Hà Giang, có diện tích 750 km2 cho tỉnh Vân Nam – Trung Hoa
2.Cắt 9 xã rưỡi thuộc tổng Kiền Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Quảng Yên cho tỉnh Quảng Đông – Trung Hoa
Biên giới trên biển​
Các đảo ở về phía Đông của đường kinh tuyến đông 105 độ 43 phút Paris, có nghĩa là đường thẳng Bắc Nam đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ và tạo thành đường biên giới thì thuộc về Trung Hoa
Sau khi những nhượng bộ của Pháp dành cho Trung Hoa về đường biên giới trên đất liền và biển, việc thực thi được thực hiện bởi đại diện của hai bên là Ernest Constans – Đặc sứ của Cộng hoà Pháp tại Trung Hoa và Hoàng thân Kinh – Chủ tịch Tổng lý nha môn nhà Thanh, ký tên trong biên bản những chi tiết sau đây để giải quyết dứt khoát sự phân định đường biên giới:
1.Các biên bản và các bản đồ kèm theo đã được các uỷ ban Pháp – Thanh thiết lập và ký tên thì được công nhận
2.Các điểm mà tại đó hai Uỷ ban đã không thể giải quyết và những sửa đổi được phê duyệt qua phần 2 của công ước 9 tháng 6 thì được giải quyết như sau:
Tại Quảng Đông, hai bên thoả thuận rằng những điểm tranh chấp ở về phía Đông và phía Đông Bắc Móng Cái, những điểm này ở phía bên kia của đường biên giới đã được uỷ ban phân định xác định thì chúng được giao cho Trung Hoa .
Những hòn đảo trong vịnh Bắc Bộ (tức vịnh Tonkin) ở về phía Đông của đường kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút kinh độ Đông, có nghĩa là đường thẳng Bắc Nam đi qua đông điểm đảo Trà Cổ và tạo thành đường biên giới giữa Đại Thanh (Trung Hoa) với sứ Bắc Kỳ thuộc Pháp, cũng được giao cho Trung Hoa .
Các đảo "Go Tho" (đảo Cô Tô) và những đảo khác ở về phía Tây của đường kinh tuyến này thì giao cho Bắc Kỳ - Việt Nam .
Nội dung công ước​ Pháp - Thanh 1887
"...Trên biên giới của tỉnh Vân Nam, hai bên thoả thuận là con đường phân giới sẽ được vạch như sau:
"Từ Keou-teou-tchai (Cẩu Đầu Trại) trên tả ngạn sông Siao-tou- tcheou-ho (Tiểu Đỗ Chú Hà), điểm M của bản đồ đoạn II, đường biên giới chạy thẳng từ Tây sang Đông trên 50 dặm (20 km) dành cho Trung Hoa các vùng Tsui-kiang-che hay Tsui-y-che (Tụ Nghĩa xã 聚義社 Jù-Yì-shè), Tsui-mei-che (Tụ Mỹ Xã 聚美社 Jù-Mei-shè), Liang-fei-che (Lương Phì xã 糧肥社 Liáng-Féi-shè) hay Y-fei-che (Nghĩa Phì xã 義肥社 Yì-Féi-shè) là những vùng nằm ở phía bắc đường phân giới, và dành cho An Nam vùng Yeou-pòng-che (Hữu Bằng Xã 有憑社 Yòu-Píng-shè) nằm ở phía Nam đường phân giới cho đến các điểm P và Q trên bản đồ kèm theo, nơi mà nó gặp hai nhánh của chi lưu thứ hai bên phải của các sông Hai-ho (Hắc Hà 黑河 Hēi-hé) hay Tou-tcheou-ho (Đổ Chú Hà 堵呪河 Dǔ-Zhòu-hé). Từ điểm Q, nó nghiêng về phía Đông Nam khoảng 15 dặm (6 km) đến điểm R, dành cho Trung Hoa vùng Nam-tan (Nam Đơn 南丹 nán-dān) ở phía Bắc điểm R, rồi từ điểm này ngược lên Đông - Bắc cho đến điểm S, theo hướng vạch trên bản đồ bởi đường R - S dành cho An Nam dòng sông Nan-teng-ho (Nam Đăng Hà 南燈河 nán-dēng-hé), các vùng Man-Mei (Man Mỹ 縵美 Màn-Mei), Meng-tong-chang-ts'oun (thôn Mường Động Thượng 猛硐上村 Měng-tóng-shàng-cūn), Meng-tong-chang (thôn Mường Động Sơn 猛硐山 Měng-tóng-shān), Meng-tong-tchoung-ts'oun (thôn Mường Động Trung 猛硐中村 Měng-tóng-zhōng-cūn) và Meng-tong-chia-ts'oun (thôn Mường Động Hạ 猛硐下村).
Bắt đầu từ điểm S, Meng-tong-chia-ts'oun (thôn Mường Động Hạ Měng-tóng-xià-cūn), đến điểm T, chỗ hợp lưu sông Lô, đường giữa sông Ts'ing-Chouei-ho (Thanh Thuỷ Hà 青水河 qīng-shuǐ-hé) là đường biên giới được thoả thuận.
Từ điểm T, đường biên giới được đánh dấu bằng đường giữa sông Lô đến điểm X, ngang với Tch'ouan-teou (Thuyền Đầu 船頭 Chuán-tóu).
Từ điểm X, đường biên giới ngược lên phía Bắc, đến điểm Y, chạy qua Pai-che-yai (Bạch Thạch Giai) và Lao-ai-kan (Lão ải Khảm), một nửa của mỗi khu vực trong hai khu vực này thuộc về Trung Hoa và An Nam; phần phía Đông thuộc về An Nam; phần phía Tây thuộc về Trung Hoa .
Bắt đầu từ điểm Y, đường biên giới chạy theo hướng Bắc, men theo hữu ngạn của chi lưu nhỏ bên trái của sông Lô, chi lưu này đổ vào sông Lô ở giữa Pien-pao-kia (Thiên Bảo Kha) và làng Pei-pao (Bắc Bảo 北保 Běi-Bǎo) là đường biên giới chạy tiếp đến Kao-ma-pai (Cao Mã Bạch), điểm Z, nơi mà nó nối vào đoạn thứ III."
Bắt đầu từ Long-po-Tchai (đoạn thứ V) biên giới chung của Vân Nam và nước An Nam đi ngược dòng sông Long-Po-Ho đến chỗ hợp lưu với sông Ts'ing-chouei-iio, đánh dấu trên bản đồ; từ điểm A, đường biên giới theo hướng chung Đông - Bắc xuống Tây - Nam cho đến điểm đánh dấu B trên bản đồ, nơi mà sông Mien-chouei-ouan đổ vào sông Sai-kiang-ho, trên đoạn biên giới này dành cho Trung Hoa dòng sông Ts'ing-chouei-ho.
Từ điểm B, đường biên giới đi hướng Đông - Tây cho đến điểm C, nơi mà nó gặp sông Teng-tieo-tchiang ở dưới Ta-chou-tchio. Phần ở miền Nam đường biên giới thuộc về nước An Nam, phần ở phía Bắc thuộc về Trung Hoa .
Từ điểm C, đường biên giới chạy theo sông Tsin-tse-ho khoảng 30 dặm và tiếp tục chạy theo hướng Đông - Tây cho đến điểm E, nơi mà nó gặp con suối nhỏ chạy vào sông Đà (Hei-liang hoặc Hắc Giang) ở phía Đông bến phà Meng-pang. Đường ở giữa suối này dùng làm biên giới từ điểm E đến điểm F.
Bắt đầu từ điểm F đường giữa sông Đà dùng làm biên giới đi về phía Tây.
Các nhà đương cục địa phương Trung Hoa và các viên chức do Tổng Công sứ Cộng hoà Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ chỉ định sẽ được giao trách nhiệm tiến hành việc cắm mốc, theo đúng các bản đồ do Uỷ ban hoạch định biên giới vẽ và ký, và theo con đường biên giới nói trên.
Kèm theo văn kiện này có ba bản đồ, mỗi bản đồ làm thành hai bản, được hai bên ký tên và đóng dấu. Trên các bản đồ này, đường biên giới mới được vẽ thành một đường đỏ và ghi trên các bản đồ của Vân Nam bằng chữ cái tiếng Pháp và các tên hàng Can - Chi Trung Hoa ...."
Bạch Long Vĩ là một đảo trong vịnh Bắc Bộ - Việt Nam (tức vịnh Tonkin) .
Bạch Long Vĩ nằm phía Tây của đường kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút kinh độ Đông . Vì vậy đảo Bạch Long Vĩ thuộc về Bắc Kỳ - Việt Nam theo thoả thuận của Công ước Pháp - Thanh 1887 .
Tên đảo theo Hán Việt và có nghĩa là đuôi rồng trắng. Đây là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ, nằm ở khoảng giữa vịnh, cách hòn Dáu (Hải Phòng) 110 km, cách đảo Hạ Mai (Vân Đồn, Quảng Ninh) 70 km và cách mũi Đại Giác trên đảo Hải Nam (Trung Hoa) 130 km.
Đảo này trước đây còn gọi là đảo chim Họa Mi .
Trong Bản đồ Stielers Handatlas 1891 ghi tên đảo là Nachtigal (tiếng Đức: Chim họa mi), và trên các bản đồ của Anh và một số của Pháp thì ghi tên đảo là Nightingale (Chim họa mi).
Đảo Bạch Long Vĩ có dạng hình tam giác, dài 3 km (hướng đông bắc - tây nam), rộng 1,5 km (tây bắc - đông nam) với chu vi khoảng 6,5 km. Đảo có diện tích khoảng 1,78 km² ở mức triều cao nhất và khoảng 3,05 km² ở mức triều thấp nhất. Địa hình trên đảo là một dải đồi cao nhưng khá thoải với 62,5% diện tích đất có góc dốc dưới 5°. Quanh đảo là vùng bãi triều và bãi biển với diện tích khoảng 1,3 km², chủ yếu hình thành từ thềm đá gốc bị mài mòn bởi sóng. Có nhiều mỏm đá ngầm và rãnh ngầm sát bờ đảo. Khí hậu của đảo có hai mùa chính: mùa mưa diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8 còn mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3. Nhiệt độ trung bình khoảng 23,3 °C; lượng mưa trung bình năm là 1.031 mm. Trung bình thì khoảng một đến hai cơn bão tràn qua đảo mỗi năm.
Một số truyền thuyết cho rằng khi người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại bang, Ngọc Hoàng sai rồng Mẹ mang theo một đàn rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn rồng tới hạ giới. Đàn rồng lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc dựng thành một bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ tan, chặn đứng bước tiến của ngoại bang.
Sau khi giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, rồng Mẹ và rồng Con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến để muôn đời bảo vệ cho dân Đại Việt. Vị trí rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và nơi đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ.
Tuy nhiên, truyền thuyết này dường như ứng với bán đảo Bạch Long Vĩ - Cap Paklung có địa thế tựa như đuôi rồng vốn có lịch sử lâu đời hơn nhiều.
Sau khi bán đảo Bạch Long Vĩ - Cap Paklung bị cắt giao Trung Hoa thì tên Bạch Long Vĩ được đặt lại cho đảo Bạch Long Vĩ thay cho tên chim Họa Mi ( Nightingale ) . Theo thỏa thuận của Công ước Pháp - Thanh năm 1887 thì bán đảo Bạch Long Vĩ - Paklung bị thực dân Pháp bàn giao cho Thanh triều - Trung Hoa .
Lịch sử đảo Bạch Long Vĩ :
Cho đến tận đầu thế kỷ 20 thì vẫn chưa có dân cư sống trên đảo mà chỉ có ngư dân ghé vào trú bão. Vì không tìm được nguồn nước nên con người không định cư và đảo còn có tên Vô Thủy ("không có nước"). Ngoài ra đảo còn có tên là Hải Bào (do biển có nhiều bào ngư) hoặc Phù Thủy Châu ("viên ngọc nổi trên mặt nước").
Năm 1887, thực dân Pháp và nhà Thanh ký Công ước Pháp-Thanh 1887 phân chia lại đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Hoa. Đảo Bạch Long Vĩ nằm về phía tây kinh tuyến 105°43'Đ (kinh tuyến Paris làm gốc) nên thuộc về xứ Bắc Kỳ. Cũng theo hiệp ước này thì toàn bộ bán đảo Bạch Long Vĩ vốn lâu đời hơn rất nhiều đã bị cắt cho Trung Hoa nên tên Bạch Long Vĩ được đặt lại cho đảo này. Năm 1920, dân từ Quảng Yên (Bắc Kỳ) và Hải Nam (Trung Hoa) bắt đầu kéo tới đây sau khi người ta phát hiện nguồn nước ngọt ở phía nam đảo.
Năm 1937, vua Bảo Đại phái 12 người đến đảo để lập đồn canh phòng và xây dựng chế độ lý trưởng.
Thời Pháp thuộc, lộ trình tuần tra định kì của Pháp khởi đầu tại vịnh Hạ Long đến Cô Tô, Bạch Long Vĩ, vòng quanh quần đảo Hoàng Sa, quay lại dọc bờ biển Trung Kỳ rồi kết thúc ở Cát Bà.
Đến thời Thế chiến 2, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương và tước khí giới của quân lính Bảo Đại đóng trên đảo.
Năm 1946, Pháp quay trở lại Đông Dương và khôi phục lại chế độ cai trị trên đảo.
Năm 1949, Quốc dân đảng Trung Hoa thua trận chạy ra đảo Đài Loan và chiếm đảo Bạch Long Vĩ. Tháng 7 năm 1955, quân Trung quốc CS tấn công quân Quốc dân đảng và kiểm soát đảo này.
Ngày 16 tháng 1 năm 1957, Trung quốc giao trả đảo Bạch Long Vĩ lại cho Bắc Việt Nam CSHCM để nuôi âm mưu : " Thả con tép , bắt con tôm " nhắm đến hai quần đảo của Việt Nam : Hoàng Sa và Trường Sa , mà Trung quốc luận chứng ngạo ngược : " rằng cả hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (theo cách gọi của Trung quốc) đã nằm phía Đông của đường kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút kinh độ Đông : thuộc về Trung Hoa dựa vào thoả thuận Công ước Pháp - Thanh 1887 .
Nhưng sự thoả thuận của Công ước Pháp - Thanh 1887 chỉ được áp dụng trong phần vịnh Bắc Bộ - Bắc Việt ( Gulf of Tonkin ) , chứ không áp dụng phía ngoài cửa vịnh Bắc Việt ( vịnh Tonkin ).
Trung quốc muốn đổ bộ lấy lại đảo Bạch Long Vĩ và đang chờ cơ hội để ra tay .
Đất Linh Sinh Nhân Kiệt - Đôi nét Lạng Sơn ...
Ngày nay ở nước ta có hai di tích lịch sử nổi tiếng bậc nhất đã mất trắng. Đó là Hòn Vọng Phu (thật), tức núi Tô Thị ở Đồng Đăng và Ải Nam Quan, CS đổi tên thành Hữu Nghị Quan, một danh xưng đầy dẫy sự gượng gạo .
Ải Nam Quan là ải hướng về Nam, nằm ở địa đầu tỉnh Lạng Sơn, cách Đồng Đăng chỉ 5km. Theo sử sách ải Nam Quan do Trung Hoa dựng nên, ban đầu bằng một cánh cửa gỗ dùng làm mốc cắm để ngăn chia ranh giới hai nước Việt-Hoa. Bên phía Bắc cửa ải là huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây của Trung Hoa, còn phía Nam cửa ải là xã Đồng Đăng, huyện Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam.
Xưa nay đa số người Việt vẫn xem Ải Nam Quan là hình tượng đẹp nhất, một cái tên quen thuộc và thiêng liêng nhất không bao giờ phai mờ trong lịch sử nước Việt. Chính cửa ải này là nơi ngày xưa từng diễn ra biết bao biến cố đau thương lẫn oai hùng, hiển hách của dân tộc Việt .
Nhưng đau lòng thay! Ngày nay Ải Nam Quan đã không còn nằm ngay trên biên giới Việt-Hoa, mà nó đã lùi sâu vào phần đất của Trung Hoa.
Nhớ lại năm 1407, quân Minh xâm lược Đại Việt, cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải sang Kim Lăng, nước Tàu. Nguyễn Trãi khóc tiễn cha đến tận ải Nam Quan thì Nguyễn Phi Khanh khuyên ông trở về mưu đồ phục thù và rửa hận cho cha bằng con đường cứu nước.
Nói tới Nguyễn Trãi mà tiếc cho nước mắt của ông. Ngày xưa, khi tiễn cha bị đày qua Tàu nước mắt Nguyễn Trãi đã thấm ướt cửa ải nước Việt. Ngày nay Ải Nam Quan đã thuộc phần đất của Tàu, thế thì nước mắt ngày xưa của Nguyễn Trãi nay đã trở thành giọt lệ khô trên đất Tàu .
Ải Nam Quan nằm ở địa đầu tỉnh Lạng Sơn. Lạng Sơn có con sông Kỳ Cùng chảy về Đồng Đăng . Đồng Đăng, một thị trấn tuy nhỏ nhưng có nhiều chuyện khá thú vị và kỳ lạ.
Cũng như những địa danh nổi tiếng khác trải dài suốt ba miền đất nước, Đồng Đăng cũng đã đi vào ca dao từ bao đời:
Cái cò bay bổng bay cao
Bay qua cửa phủ bay vào Đồng Đăng
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Phố Kỳ Lừa có từ tiền bán thế kỷ XV nên chợ Kỳ Lừa là phiên chợ được hình thành từ lâu đời. Vì lâu đời nên chợ Kỳ Lừa có nhiều truyền thuyết...
Tương truyền, tên gọi Kỳ Lừa bắt nguồn từ câu chuyện, ngày xưa, ở khu vực này có một con lừa rất kỳ lạ. Hàng ngày, khi được chủ thả đi ăn cỏ, con lừa tự bơi qua sông Kỳ Cùng tìm sang núi Kỳ Cấp để ăn cỏ non. Đến tối, con lừa lại tự bơi qua sông và tìm về chuồng (có người cho rằng con lừa kỳ lạ này là của Mạc Đĩnh Chi). Người dân các nơi rủ nhau đến xem con lừa kỳ lạ rất đông, từ đó cái tên Kỳ Lừa ra đời.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tên gọi Kỳ Lừa bắt nguồn từ địa danh Khau Lừ, Khau là Đồi, Lừ là Lừa, Khau Lừ có nghĩa là Đồi Lừa. Bởi ở khu vực này xưa kia có những đồi cỏ lúp xúp làm bãi chăn thả lừa, ngựa nên gọi là Khau Lừ, về sau mọi người đọc chệch đi thành Kỳ Lừa. Từ đó, chợ Kỳ Lừa là nơi sinh hoạt của các dân tộc ở Lạng Sơn.
Sông Kỳ Cùng là con sông chính của tỉnh Lạng Sơn, và là một phụ lưu của hệ thống sông Tây Giang, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Trung quốc..
Bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa cao 1.166 m thuộc huyện Đình Lập tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam, sông này thuộc lưu vực sông Tây Giang (Trung quốc). Dòng sông chảy theo hướng chủ đạo đông nam - tây bắc từ Đình Lập qua huyện Lộc Bình, huyện Cao Lộc thành phố Lạng Sơn, huyện Văn Lãng, huyện Tràng Định; chảy qua biên giơi sang Trung quốc tại gần Bình Nhi Thôn (平而村)Từ đây nó được gọi là Bình Nhi Hà (平而河) tiếp tục theo hướng thành tây tây nam - đông đông bắc koản 45km để hợp lưu với sông Bằng Giang tại thị trấn Long Châu, Quảng Tây, Trung quốc, thành sông Tả Giang, chi lưu phía nam của sông Úc Giang trong hệ thống tạo thành sông Tây Giang. Đoạn chảy trên đất Việt Nam dài khoảng 243 km, diện tích lưu vực: 6.660 km². Đây là con sông duy nhất ở miền Bắc Việt Nam chảy theo hướng đông nam - tây bắc sang Trung quốc.
Sông Kỳ Cùng có các phụ lưu chính là sông Bản Thín, sông Bắc Giang và sông Bắc Khê. Sông Bắc giang và Sông Bắc Khê hợp lưu gần Thất Khê, huyện Tràng Định.
Sông Bản Thín hợp lưu tại Bản Chu xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình.
Thủ lĩnh áo Chàm – Phò mã Thân Cảnh Phúc.
Thân Cảnh Phúc là một thủ lĩnh dân tộc miền núi nổi tiếng, anh hùng của cuộc kháng chiến chống Tống, đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của nhà Lý trên chiến tuyến sông Như Nguyệt, dân trong vùng gọi ông là thần, là Thủ lĩnh áo Chàm.
Một thủ lĩnh dân tộc miền núi nổi tiếng, anh hùng của cuộc kháng chiến chống Tống (1075 – 1077); tù trưởng châu Quang Lang (Châu Ôn, Lạng Sơn) được vua Lý gả công chúa Thiên Thành năm 1066, phong chức tri châu và đổi từ họ Giáp sang họ Thân .
Thân Cảnh Phúc còn có tên là Thân Cảnh Nguyên hay Thân Đạo Nguyên, Cảnh Long, biệt danh Phò mã áo Chàm, tương truyền có thể là Thân Vũ Thành, tù trưởng động Giáp châu Lạng tức Châu Quang Lang, ngày nay thuộc Lạng Sơn.
Thời nhà Lý, triều đình rất coi trọng việc thắt chặt các quan hệ với tù trưởng các tộc thiểu số, đặc biệt là vùng biên giới phía đông bắc giáp với nhà Tống.
Các tù trưởng họ Giáp ở động Giáp từ thời vua Lý Thái Tổ đã liên kết với triều đình bằng các mối quan hệ gia tộc, thường lấy công chúa nhà Lý và các tù trưởng động Giáp – phò mã nhà Lý này đã ra sức giúp dật, phò tá nhà Lý tạo nên vùng biên cương ổn định phía Bắc.
Ông nội Thân Cảnh Phúc là Giáp Thừa Quý, thời đứng đầu động Giáp được vua Lý đổi sang họ Thân bằng việc ban thêm một nét chữ vào chữ Giáp tên họ để trở thành chữ Thân.
Từ đó dân động Giáp phần nhiều mang họ Thân để ghi nhớ ơn vua; đây có thể được xem là một trong những nguồn gốc họ Thân ở Bắc Giang và ở Lạng Sơn.
Cùng Lý Thường Kiệt đánh quân Tống Cha Thân Cảnh Phúc là Thân Thiệu Thái, khi làm chủ động Giáp năm 1029 được vua gả công chúa Bình Dương cho làm phò mã. Thân Cảnh Phúc là con trai của Thân Thiệu Thái với công chúa Bình Dương.
Tháng 3 âm lịch năm Kỷ Hợi, niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ nhất (1059), vua Lý Thánh Tông đi săn ở vùng Nam Bình (tức lưu vực sông Thương) thuộc Châu Lạng, nhân đó ngự giá đến nhà Thân Cảnh Phúc.
Năm Canh Tý, niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ hai (1060) triều Lý Thánh Tông, Thân Thiệu Thái đem quân sang Như Ngao châu Tây Bình nhà Tống, đánh bắt được viên chỉ huy sứ Dương Bảo. Năm 1070, quân Tống ồ ạt kéo xuống biên giới, lăm le xâm lược Đại Việt; bằng thủ đoạn nham hiểm, đã mua chuộc được nhiều thủ lĩnh sát biên giới, riêng chỉ có Thân Cảnh Phúc không chịu khuất phục, cùng Thái Uý Lý Thường Kiệt đánh quân Tống .
Năm 1075, trước nguy cơ đất nước bị xâm lược, Lý Thường Kiệt chủ động tiến công trước sang lãnh thổ Trung Hoa ,để phá kế hoạch của nhà Tống.
Thân Cảnh Phúc cùng các tù trưởng Vi Thủ An, Tông Đản, Lưu Kế Tông, Hoàng Kim Mãn chỉ huy cánh quân bộ vượt biên sang bao vây Ung Châu ( Quảng Tây ), phối hợp với đạo quân của Thái uý Lý Thường Kiệt bằng đường thuỷ tấn công Liêm Châu ( Quảng Đông ), phá tan các căn cứ xuất phát xâm lược và căn cứ hậu cần của quân Tống trên đất Trung Hoa ./.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn