CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : TRẬN ĐỒNG XOÀI 1965 - TỈNH PHƯỚC LONG - QUÂN ĐOÀN 3 VNCH.

30 Tháng Mười 20206:43 CH(Xem: 5453)
Trận Đồng Xoài (từ 9 đến 20-6-1965) Thị trấn Đồng Xoài thuộc tỉnh Phước Long, cách Sài Gòn khoảng 88km về hướng Tây Bắc, tọa lạc ngay giữa lòng Chiến khu D của CS và là giao điểm của những con đường quan trọng.
Quốc lộ 14 từ cao nguyên Trung Phần xuống và giao điểm với QL13 đi về Bình Dương tới Sài Gòn . Đây là nơi đặt các cơ sở của quận và chi khu Đôn Luân. Ngoài Đại Đội 111 Nghĩa Quân & Địa Phương Quân, một Chi Đội Thiết Giáp và 2 khẩu Pháo Binh 105ly bảo vệ cơ sở quân sự; Đồng Xoài cũng có một căn cứ tân lập của Lực Lượng Đặc Biệt nhằm kiểm soát sự xâm nhập của CS, một cứ điểm chiến lược có thể chế ngự toàn vùng. Khu vực quân sự tại Đồng Xoài nằm ngay góc Tây Bắc giao lộ của QL14, Liên Tỉnh lộ 13 và LTL 1A gồm 4 khu riêng biệt: Quận đường, Trại Pháo Binh và Thiết Giáp, Trại Lực lượng Đặc Biệt, và khu gia binh. Ngày 25/5/1965 đơn vị Biệt Đội A-342 của lực lượng đặc biệt và các Cố vấn Mỹ hoàn tất việc di chuyển vào căn cứ này khi doanh trại vừa được xây xong.
Trong căn cứ gồm có 8 cố vấn Mỹ của quận Đôn Luân, 10 quân nhân của toán LLĐB-Hoa Kỳ A-342, 8 của toán Công Binh Ong Biển, 10 LLĐB-VN của toán A- 351 cùng hai Đại Đội 327 & 328 Dân Sự Chiến Đấu khoảng 400 người đa số là CamPuChia.
Kể từ ngày Lực lượng đặc biệt đến, doanh trại này liên tục chịu các cuộc tấn công thăm dò và quấy rối bằng súng cối của Cộng quân .
Trong khi đó lần đầu tiên trên chiến trường Việt Nam, Cộng quân tập trung 3 Trung đoàn của Công trường 7 vào trận địa (hai Trung Đoàn Q762 và Q763 (tân lập) mở mặt trận chính tại đồn điền và sân bay Thuận Lợi để đón đánh viện binh, Trung Đoàn Q761 tấn chiếm quận lỵ và cứ điểm LLĐB để chiếm quận Đôn Luân (Đồng Xoài) và dàn quân đợi các lực lượng tiếp cứu đến để tiêu diệt.
Lực lượng tham chiến:
Lực lượng CS :
Lực lượng cộng quân tham chiến là Sư Đoàn tân lập Công Trường 7 CS gồm khoảng trên 2000 quân với 3 Trung Đoàn Q761, Q762 và Q763 do Lê Trọng Tấn chỉ huy. Trong đó có Trung Đoàn Q763 vừa mới thành lập.
Ngoài ra còn có một Tiểu Đoàn Pháo và Một Tiểu Đoàn Cơ Động địa phương của tỉnh Phước Thành trợ lực.
Trước ngày tấn công, các cán bộ CS tuyên huấn với các cán binh rằng họ sẽ dứt điểm Đồng Xoài trong vòng 90 phút.
Lực lượng VNCH :
- Đại Đội 111 Địa Phương Quân thuộc chi khu Đôn Luân
- Trại Lực lượng Đặc Biệt Đôn Luân
- Tiểu Đoàn 1/Trung Đoàn 7/SĐ5BB
- TĐ52 BĐQ do Đại úy Hoàng Thọ Nhu làm Tiểu Đoàn Trưởng
- Một Pháo Đội hai khẩu 105ly
- Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù do Đại úy Nguyễn Tấn Nhâm vừa nhậm chức TĐT một tuần lễ, Đại úy Vũ Văn Hải TĐP kiêm ĐĐT Đại Đội 73, Đại úy Nguyễn Văn An Trưởng Ban 3, Trung úy Nguyễn Trọng Hợp ĐĐT/ĐĐ70, Trung úy Nguyễn Trọng Kỳ ĐĐT/ĐĐ71, Đại úy Trương Điền ĐĐT ĐĐ72 và Đại úy Lê Văn Phát ĐĐT Đại Đội 74.
- Đại Đội 118th Trực Thăng/Tiểu Đoàn 145th/Lữ Đoàn 1st Aviation Brigade trực thăng vận.
Diễn Tiến :
Đêm 9/6/1965 trận Đồng Xoài bắt đầu. Từ các vườn cao su chung quanh chi khu Đôn Luân, Cộng quân áp dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung, với quân số trên 2 ngàn người tấn công tràn ngập Đồng Xoài. Lúc 21 giờ, trạm gác phi trường báo cáo Việt Cộng xâm nhập chu vi phòng thủ. 23.00 giờ hàng loạt đạn súng cối rơi vào các căn cứ quân sự. Sau đó khoảng nửa giờ Cộng quân chia thành nhiều mũi dùi tấn công vào Đôn Luân:
- Mũi thứ nhất tiến qua ngã Phi Trường rồi tấn công vào Khu gia binh và Đại Đội Địa Phương Quân. Lực lượng trú phòng phản công quyết liệt với sự trợ giúp của Lực Lượng Đặc Biệt, Cộng quân bị tổn thất nặng. Nên khi chiếm được khu gia binh họ đã tàn sát khoảng 200 người đàn bà và trẻ con là những thân nhân và gia đình binh sĩ.
- Mũi thứ nhì Cộng quân tập trung quân số khoảng 1500 người, chia thành hai mũi tấn công biển người với ít nhất 7 khẩu đại liên 50 (do các phi công trực thăng nhận diện được) và súng phun lửa tràn ngập trại LLĐB. Trong trại có 18 quân nhân Mỹ và hai Đại Đội 327 & 328 Dân Sự Chiến Đấu, bị yếu thế trước hỏa lực quá mạnh của CS nên đã rút quân vào Quận đường Đôn Luân.
- Mũi thứ ba từ hai hướng Đông Nam và Nam tấn công vào xóm đạo Đồng Xoài (Ấp Chiến Lược) rồi tràn sang khu Thiết Giáp, hơn phân nửa số xe Thiết Giáp bị hư hại, Cộng quân chiếm được 2 chiếc và dùng hai khẩu đại liên 50 trên xe này yểm trợ cho quân bộ chiến, về sau những xe này bị phi cơ bắn hạ tại quận đường. Nghĩa quân của xóm đạo Đồng Xoài đã tử chiến trong đêm đến người cuối cùng.
Trong ngày quân CS liên tục mở bốn đợt tấn công biển người nhưng vẫn không chiếm được hoàn toàn quận đường. Qua ngày hôm sau quân cộng sản chiếm được phần lớn khu vực trận địa. Với những trận oanh kích dữ dội của không quân Hoa Kỳ và VNCH yểm trợ, binh sĩ trú phòng đã tử chiến trong doanh trại chi khu, một số chạy thoát và một số vẫn còn nằm cố thủ bên trong Quận đường.
Sáng hôm sau, QLVNCH điều động Tiểu Đoàn 1/7/SĐ5 Bộ Binh và Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân vào trận địa để tiếp viện. Đơn vị Trực Thăng 118AHC có căn cứ tại phi trường Biên Hòa với trên 125 trực thăng HU-1B phụ trách việc chuyển quân từ Phước Vĩnh đến Đồng Xoài.
Đúng 8.00 giờ sáng ngày 10/6/1965, Tiểu đoàn 1/7 BB (-) (gồm hai Đại Đội và BCH/TĐ) vừa đáp xuống phía Nam đồn điền Thuận Lợi (Ấp Thuận Thiên) tại vị trí cạnh LTL 1A và cách quận đường khoảng 3km về hướng Bắc, bị lọt vào ổ phục kích mà Trung Đoàn Q763 đã chuẩn bị trong khu rừng cao su với những công sự kiên cố nên bị tổn thất nặng, Lúc 9.00 giờ, 14 trực thăng UH-1B cũng đã thả Đại Đội thứ ba của TĐ1/7 còn lại xuống sân bay trong đồn điền cao su Thuận Lợi cũng bị mất tích luôn và một trực thăng bị thiêu hủy hoàn toàn.
Buổi chiều ngày 10/6, trên 115 chiếc trực thăng chuyển quân của Phi đoàn 118 Trực Thăng Hoa Kỳ đã bốc Tiểu Đoàn 52 BĐQ từ Phước Long đổ xuống sân vận động ngoài cửa quận Đôn Luân vào lúc 16.00 giờ.
Vừa đáp xuống đất Tiểu đoàn 52BĐQ tiến vào quận đường liền chạm ngay hỏa lực của CS trong hai xe thiết giáp (CS vừa chiếm được của QLVNCH khi tràn ngập Chi đội Thiết Giáp) tác xạ bằng đại liên 50 nên phải dạt ra chiếm khu phố bên cạnh quận đường.
TĐ52BĐQ đã gọi phi pháo triệt hạ hai chiếc thiết giáp này. Đợt oanh tạc chấm dứt, kho đạn trong quận đường phát nổ dữ dội. Trung úy Trần Thanh Thủy chỉ huy Đại Đội 3 len lỏi tấn công vào chiếm lại quận đường.
Vào khoảng 8 giờ đêm kho đạn ngừng nổ thì toàn thể Đại Đội 3/TĐ52BĐQ đã bố trí sẵn sàng chung quanh hàng rào phòng thủ của quận để đợi Cộng quân từ hai trại bên kéo trở lại tiếp viện.
Sau đó TĐ52BĐQ đã tấn công như vũ bão, đánh tan tác hai cánh quân này của CS và thừa thắng tràn lên chiếm lại căn cứ Lực Lượng Đặc Biệt, Pháo binh và tiêu diệt các ổ kháng cự của CS quanh các khu phố. Tuy nhiên TĐ52BĐQ cũng bị tổn thất nhiều, nên được lệnh bố trí tại quận Đôn Luân để Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù được trực thăng vận đến ngay buổi sáng ngày 11/6 thay thế tiến lên truy kích địch về phía Thuận Lợi. Trong số vũ khí Tiểu đoàn 52BĐQ tịch thu được, có hơn 50 súng AK-47 và một súng phun lửa Trung cộng, lần đầu tiên Cộng quân xử dụng trong chiến trường Việt Nam.
Sáng sớm ngày 11/6/1965, Phi Đoàn Trực Thăng 118 Aviation trở lại Phước Vĩnh với sự hộ tống của các trực thăng võ trang thuộc đơn vị 145 CAB bốc Đại Đội 74 Nhảy Dù của Đại úy Lê Văn Phát thả xuống bãi đất trống phía Tây Nam quận đường.
Vừa đáp xuống đất Đại Đội 74 bung rộng lục soát quanh ấp Đồng Xoài, vòng đai của quận về phía Đông rồi vòng lên phía Bắc tảo thanh các ổ kháng cự của CS. Đại Đội 74 Nhảy Dù đã tịch thu được 4 khẩu AK-47 còn mới nguyên và bắt được một tù binh còn trẻ ,gốc Tàu ở Chợ Lớn.
Đương sự khai có hai Trung Đoàn CS tấn công Quận lỵ Đồng Xoài hôm nay và Trung Đoàn 1 do một người đàn bà chỉ huy.
Trong ngày toàn bộ Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù được tiếp tục thả xuống tại phía Nam quận đường an toàn. Sau đó TĐ7ND mở cuộc hành quân đẩy lui lực lượng Cộng quân đang bao vây quanh Đồng Xoài.
Địch quân bị tổn thất nặng (tính đến ngày giờ này Cộng quân bị thiệt hại ít nhất hai Tiểu Đoàn bộ chiến khi giao tranh với các đơn vị VNCH - theo lời xác nhận của các tù binh) rút khỏi quận Đôn Luân và mở một phòng tuyến mới tại đồn điền Thuận Lợi với hai Trung Đoàn Q762 và Q763.
Ngày 12/6/1965 Tiểu Đoàn 7ND tiếp tục giải tỏa áp lực địch quân về phía Bắc quận lỵ dọc theo LTL1A lục soát khu vực giao tranh ngày hôm trước tìm thấy nhiều xác chết của binh sĩ TĐ1/7/SĐ5BB trong đó có vị Tiểu Đoàn Trưởng đồng thời cũng tìm thấy một quân nhân còn sống sót đang ẩn núp trong bụi rậm. Phải mất gần trọn một ngày để thu dọn chiến trường dưới cơn mưa tầm tã.
Ngày 13/6/1965 nhiều đồng bào từ hướng đồn điền Thuận Lợi chạy về cho biết Cộng quân đang tập trung quân số rất đông và chúng đã chuẩn bị phòng tuyến trong khu rừng cao su để chờ lực lượng VNCH đến.
Lúc 17.00 giờ dưới thời tiết ảm đạm của ngày mưa dầm, Đại úy Nhâm TĐT/TĐ7ND cho lệnh Tiểu Đoàn tiến về phía Bắc đồn điền Thuận Lợi.
Tiểu đoàn 7 dàn đội hình di chuyển theo hai mũi dùi tấn chiếm phi trường Thuận Lợi (xem Bản đồ): Cánh tiến quân chính dọc theo mạn phía Đông LTL1A do Đại Đội 74 của Đại úy Lê Văn Phát dẫn đầu, tiếp theo sau là Đại Đội 73 của Đại úy Vũ Văn Hải bọc hậu. Cánh phụ thứ hai tiến song song về phía Đông của cánh chính do Đại Đội 71 của Trung úy Nguyễn Trọng Kỳ dẫn đầu; Đại Đội 70 của Trung úy Nguyễn Trọng Hợp với Trung Đội vũ khí nặng và BCH/Tiểu Đoàn đi trung quân, Đại Đội 72 của Đại úy Trương Điền bảo vệ sườn bên trái.
Khi TĐ7ND tiến gần đến sân bay đồn điền Thuận Lợi khoảng 200m, các đơn vị tiền sát báo cáo có một số CS lẩn khuất trước mặt và tần số âm thoại liên lạc luôn bị khuấy rối; theo kinh nghiệm chiến trường Đại úy Lê Văn Phát dự đoán chắc chắn sẽ có đánh lớn vì Cộng quân nghi binh để dẫn dụ quân ta vào trận thế của chúng nên đã đề nghị với Tiểu Đoàn Trưởng xin pháo binh và gunship yểm trợ. Đại úy Nhâm không đồng ý bắn pháo binh vì sợ ảnh hưởng hư hại nhà dân chung quanh.
Thật sự, Cộng quân đã mai phục hai Trung đoàn Q763 và Q762 quanh sân bay Thuận Lợi từ mấy ngày trước. Hai trung đoàn này đã tham dự trận đánh tại Đồng Xoài rồi rút về đây mai phục. Chúng đã chuẩn bị hầm hố chiến đấu, bố trí cả súng phòng không, đại liên 50 trên tháp nước, trên các ngọn cây cao, đồng thời thiết đặt bãi mìn dọc theo lề đường Tỉnh lộ 1A đi về ngã Phú Riềng. CS chuẩn bị đánh một trận để ra mắt Sư Đoàn Công Trường 7 tân lập của Cộng quân với những vũ khí trang bị tối tân như AK-47, B40, súng phun lửa của Trung cộng... trong khi Lực lượng Nhảy Dù chỉ được trang bị mỗi Đại Đội 15 khẩu AR15, vũ khí tối tân nhất của Quân Lực VNCH thời bấy giờ.
Trong khi đó các sĩ quan cố vấn Mỹ của Tiểu Đoàn cũng đã đề nghị dừng quân vì trời tối, thời tiết xấu phi cơ võ trang không thể yểm trợ và khu vực hành quân lại ngoài tầm đạn pháo binh. Tiểu Đoàn Trưởng Nhâm vẫn không đồng ý và cho lệnh tiếp tục tiến quân.
Ba vị sĩ quan cố vấn Mỹ (Đại úy Toptoy, Trung úy Denspy và Trung Sĩ Nhất Taglery) bất mãn nên gọi trực thăng đến bốc họ bỏ về Sài Gòn.
Khi tiền quân của TĐ7ND đến xóm nhà gần sân bay thì có một người lính Bộ Binh nhảy ra cho biết quân CS rất đông ở phía trước. Đại úy Nhâm TĐT ra lệnh ĐĐ74 phải vượt qua phi đạo tấn chiếm khu trung tâm sân bay và lục soát tất cả các ngôi nhà chung quanh.
Đại úy Phát cho Đại Đội 74 dàn đội hình hàng ngang xung phong tấn công vào mục tiêu.
Khi hai Trung đội dẫn đầu của ĐĐ74ND tiến ra sân bay khoảng 100m thì CS bắt đầu khai hỏa. Ngay sau đó đủ loại súng lớn nhỏ bùng nổ khắp mọi nơi, hai Trung Đoàn Q763 từ hướng Đông và Trung Đoàn Q762 từ hướng Bắc cùng một lúc ào ạt tấn công biển người. Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù đã lọt vào trận địa phục kích của quân cộng sản.
Sau khi cộng quân khai hỏa, hầu hết các Trung đội tiền phong của hai Đại Đội 72 và 74 đều bị tử trận ngay trong đợt chạm súng đầu tiên. TĐT Nhâm bèn dốc toàn lực các Đại Đội còn lại đồng loạt tiến lên cứu viện. Toàn bộ binh sĩ và sĩ quan của Tiểu Đoàn 7 quyết liệt tử chiến nhưng địch quân quá đông.
Cộng quân lại sử dụng đại liên 50, đại bác phòng không hạ nòng bắn thẳng đặt trên lầu nước trên các ngọn cây tác xạ gây thiệt hại nặng cho các chiến sĩ Nhảy Dù xung phong vào thế trận.
Sau một giờ giao tranh ác liệt, Đại úy Nhâm TĐT bị trúng đạn tử thương ngay tức khắc. Đại úy Vũ Văn Hải, TĐP kiêm ĐĐT/ĐĐ73 thay thế điều động binh sĩ còn lại chống cự với quân địch.
TĐ7ND không nhận được sự yểm trợ của phi pháo dù đã yêu cầu khẩn cấp, đạn dược của các chiến sĩ Mũ Đỏ chỉ còn 2/3 cấp số lúc ban đầu vì đã tiêu hao hết một phần trong trận đánh tại quận Đôn Luân.
Các Chiến sĩ Nhảy Dù đã sử dụng vũ khí cá nhân chiến đấu chống lại lực lượng biển người của hai Trung đoàn Cộng quân.
Thành phần của hai Đại Đội 72 và 74 còn sống sót sau đợt giao tranh đầu tiên, đã mở đường máu dạt về phía Ấp Chiến Lược phía tay phải, thêm một số lại bị thương vong do bãi mìn CS thiết đặt từ trước.
Khi đến được xóm nhà dân Đại Đội 74 chỉ còn lại 8 người trong số đó có Đại úy Đại Đội Trưởng.
Cùng lúc đó, cánh quân phía sau của Tiểu đoàn cũng bị tấn công biển người từ ngang hông. Binh sĩ của các Đại Đội 70, 71 và 73 bị tử thương gần hết.
Những người còn sống sót gom lại khoảng hai Trung Đội vừa bắn vừa chạy theo Trung úy Nguyễn Trọng Hợp tiến qua một khu vườn chuối phía tay phải. Cuối vườn chuối là gặp phải hàng rào ấp chiến lược.
Bỗng một tràng súng đại liên bắt đầu khai hỏa rồi súng lớn súng nhỏ nổ khắp nơi, các chiến sĩ Nhảy Dù cố gắng chống trả đến viên đạn cuối cùng rồi lần lượt gục ngã. Đến 19.00 giờ đêm, chiến trường im dần tiếng súng.
Sau một hồi kèn vang lên như tiếng gào của ma quái, Cộng sản bắt đầu thu dọn chiến trường, chúng hành quyết các thương binh của QLVNCH một cách rùng rợn. Những tiếng chửi mắng tục tĩu pha lẫn những tiếng cười hềnh hệch man dã như lũ âm binh sau những tiếng nấc cuối cùng của thương binh khi hứng chịu những nhát lưỡi lê tàn bạo hay những viên đạn hận thù của lũ người vô lương tâm không còn một chút nhân tính.
Ngược lại với sự tuyên truyền láo khoét của các cán bộ chính trị CS rằng lính của VNCH rất hung dữ bắt được tù binh là không mong gì được sống sót...
Sự thật, người chiến sĩ Nhảy Dù nổi tiếng là “Thiên Thần sát địch” luôn bảo vệ sự an toàn cho đồng bào, mỗi khi bắt được tù binh CS dù bị thương hay không đều đối xử tử tế, băng bó vết thương, cho ăn uống đầy đủ, còn cho thuốc hút, bánh kẹo, khuyến khích biên thư về cho gia đình cha mẹ vợ con...
Cộng quân thu dọn trận địa suốt đêm, thanh toán thương binh của VNCH và di chuyển toàn bộ thương binh tử sĩ của họ ra khỏi chiến trường với các xe của đồn điền với hàng trăm dân công cưỡng bách trong vùng.
Đây là một lần hiếm có trong 20 năm chiến tranh VN, khi lực lượng du kích CS đã được tổ chức tới cấp sư đoàn, tấn công và chiến đấu với các đơn vị ưu tú của VNCH. Đây cũng là lần đầu tiên mà quân số tổn thất cả hai bên tương đương, mỗi bên đã thương vong hằng trăm người.
Thông thường trong suốt cuộc chiến tại VN nhất là khi giao tranh với lực lượng Nhảy Dù, Cộng quân phải tổn thất ít nhất 3 lần so với phía chiến sĩ Cộng Hòa.
Sáng ngày 15/6/1965 Tiểu Đoàn 145 CAB (Combat Aviation Battalion) trực thăng vận 1,089 quân nhân thuộc hai Tiểu Đoàn 3 và 8 Nhảy Dù thả xuống tăng viện để tảo thanh và truy kích địch quân quanh vùng đồn điền cao su cho đến ngày 17/6/1965, nhưng quân CS đã rút lui khỏi chiến địa không còn dấu vết.
Phía VNCH: 1,190 chết và bị thương
Phía Mỹ: 7 tử thương, 15 bị thương, 13 mất tích
Phía Cộng sản : 700 xác bỏ tại trận cùng một số lớn mang đi.
Xét chung về trận chiến có nhiều nguyên nhân bất thường đưa đến việc thất trận tại Đồng Xoài. Có thể do nhiều biến động chính trị tại Sài Gòn nên các cấp chỉ huy quân sự để lộ nhiều sơ hở như là:
- Tin tức tình báo không được cung cấp chính xác. Với sự chuyển quân 3 trung đoàn CS trong vùng , mà tin tình báo cho biết chỉ có các đơn vị địa phương cấp Tiểu đoàn do đó ước lượng quân số về phía địch sai lầm nên TĐ7ND đã bị tràn ngập bởi hai trung đoàn chủ lực CS với trang bị đầy đủ vũ khí tối tân thời bấy giờ.
Hơn nữa, Đại úy Nguyễn Tấn Nhâm mới vừa nhậm chức Tiểu Đoàn Trưởng thay thế Thiếu tá Ngô Xuân Nghị được bảy ngày đã có quyết định sai lầm khi cho Tiểu Đoàn vẫn tiếp tục tiến công mặc dầu đã có lời yêu cầu can ngăn của ĐĐT/ĐĐ73 và 3 vị cố vấn Mỹ, trong khi nhiều yếu tố chiến thuật không thuận lợi cho đơn vị như trời tối, ngoài tầm đạn pháo binh, thời tiết xấu không có phi pháo yểm trợ, không có thành phần trừ bị... và có dấu hiệu cho thấy địch quân xuất hiện rất đông.
- Hệ thống phòng thủ mới vừa xây cất xong, việc phối hợp trợ chiến phòng thủ chưa được hoàn chỉnh, Pháo Binh và Thiết giáp không được sử dụng hiệu quả. Quân số của địch quân quá đông hai trung đoàn tấn công trong khi quân phòng thủ chỉ có khoảng 1 Tiểu Đoàn gồm Đại Đội 111 Địa Phương Quân, hai Đại Đội Dân Sự Chiến Đấu .
- Việc trang bị cho quân đội VNCH quá trễ so với quân địch. Trong khi Cộng quân được Nga Tàu CS yểm trợ trang bị các vũ khí tối tân AK-47, B40, súng phun lửa Trung cộng... thì lực lượng Nhảy Dù là đơn vị ưu tú của QLVNCH cũng chỉ được trang bị 15 khẩu AR-15 cho mỗi Đại Đội tác chiến./.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn