CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : NHỮNG TRẬN ĐÁNH QUYẾT LIỆT TRÊN VÒNG ĐAI PHÒNG THỦ SÀI GÒN - Trận giao chiến ngăn chận CS qua cầu Tân Cảng 28 Tháng 4-75.

23 Tháng Tư 20248:48 CH(Xem: 135)
(964)+(1952)

[Nỗ lực đánh chận CS của QLVNCH tại Tiểu khu Bình Tuy- Quân Đoàn III VNCH ]
Đầu tháng 04 năm 1975, Tiểu-khu Bình-Tuy được TK/ Bình-Thuận thông báo: Đoàn người di tản từ các tỉnh miền Trung sau cuộc lui binh của vùng II chiến-thuật, đang hỗn loạn tràn vào thị xã Phan Thiết, lẫn lộn trong đó có một số tù nhân trốn thoát, thành phần bất-hảo và cũng có thể CS giả dạng lính QLVNCH bắn, cướp phá gây sợ hãi cho đồng bào tị nạn cũng như dân chúng tại địa-phương và tiếp tục đi về hướng Bình Tuy. Tiểu khu Bình Tuy tức khắc xin QĐ III tăng phái một đại-đội Quân-cảnh, đơn vị QC này làm nút chặn tại ngã ba 46 (ngã 3 vào Bình-Tuy từ Quốc lộ I.
Tiểu đoàn 344/ĐP của Lê phi Ô chiếm giữ các cao điểm xung quanh để bảo vệ QC làm nhiệm vụ tước khí giới những quân-nhân thất lạc đơn vị và bất cứ ai có vũ-khí trong đoàn người di-tản, những đơn vị còn sĩ quan chỉ huy thì được giữ lại vũ khí và chờ lệnh Quân-Đoàn III, Tiểu đoàn 341/ĐP của Đ/U Lê Hùng phối hợp với Quân cảnh để ngăn ngừa cướp phá và được lệnh bắn hạ bất cứ ai có vũ-khí mà không tuân theo lệnh QC, vì thế chỉ trong 3 ngày với nhiều đoàn di tản vào Bình-Tuy ước độ gần 300 ngàn người nhưng rất trật tự tiến vào thị xã La-Gi (hoàn toàn có trật tự từ cửa ngỏ vào Bình-Tuy cho đến khi được xà lan di chuyển hết về Vũng Tàu, 10 ngày mới hoàn tất).
Tiểu khu BT lúc đó còn 4 tiểu đoàn ĐPQ: TĐ344/ĐP Lê-Phi-Ô tiểu-đoàn trưởng, giữ phi-trường và đồi Hoa-Sim nơi đặt hai khẩu Đại bác 105 ly (hướng tây của BCH/TK và cách 500m). Tiểu đoàn 341/ĐP, Đ/U Lê-Hùng TĐT phối trí song song với TĐ của LPO về phía phải của phi trường… cả hai Tiểu đoàn có nhiệm vụ ngăn chận địch từ hướng Quốc lộ I tràn vào Bình-Tuy. TĐ 369/ĐP, Đ/U Hoàng-Quyền TĐT (tử trận khi rút lui) ngăn chận địch từ hướng núi Tà Cú (hướng Phan-Thiết), Tiểu đoàn 370/ĐP, Th/tá Lê-Kim-Lai TĐT, ngăn chận địch từ hướng Tỉnh Phước-Tuy và bảo vệ hướng lui binh của toàn Tiểu-khu. Các đơn vị này hoạt động ngày đêm để phát hiện địch từ xa và bảo vệ sinh mạng tài-sản của đồng bào chưa kịp di tản. Một Trung-đoàn của SĐ 22/BB còn sót lại được tăng phái cho Tiểu khu Bình Tuy, Tr/tá Danh Trung-đoàn trưởng với quân số không đầy đủ.
Theo kế hoạch A khi di-tản chiến-thuật thì Tr/đoàn của Tr/tá Danh và TĐ344/ĐP của Lê phi Ô sẽ là mũi xung kích mở đường máu về hướng Vũng-Tàu cặp bờ biển hoặc đường rừng đi Xuyên-Mộc (tùy trường hợp), TĐ 341/ĐP của Lê-Hùng sẽ bảo vệ Bộ chỉ huy Tiểu-Khu và các Tiểu-đoàn 369/ĐP, Tiểu-đoàn 370/ĐP giữ nhiệm vụ chận hậu. Riêng Đại đội 512 và 513/Trinh-sát (Bình-Tuy có 2 đại-đội Trinh-Sát) thì tìm địch từ xa hướng QL I, đồng thời trong ngày 21/04/1975 Bộ chỉ huy Tiểu-khu được Thiếu Tướng Lê-Minh-Đảo Tư-lịnh Sư-đoàn 18BB cho biết , Ông đã rút quân rời Xuân Lộc về phòng thủ vành đai Sài Gòn . Tiểu-khu Bình-Tuy coi như hoàn toàn đơn độc ! Tuy thế chúng tôi vẫn sửa soạn cho một cuộc tử-thủ vì chưa nhận được lệnh lui binh.
Ngày 22/4/1975 Trinh-Sát chạm địch tại ấp Láng-Gòn cách Bộ chỉ-huy Tiểu-khu hơn 4 cây số từ hướng Quốc lộ I đi vào, cộng quân có tất cả 24 xe tăng với Quân số Bộ binh cấp Sư-Đoàn đang tiến vào tỉnh lỵ Bình-Tuy . Trinh-sát lui dần đến cầu Láng-Gòn và chận được đơn vị tiền phương của CS tại đây. Toán Mìn của Trinh-Sát cho gài mìn giựt sập cầu Láng-Gòn để ngăn chận Tank. Suốt ngày 23/04/1975 những đơn vị tiền phương CS không thể nào vượt qua được Đại-đội 512 và ĐĐ513/Trinh-sát tại cầu Láng-Gòn, vì là mùa nắng nên sông Láng-Gòn có chỗ cạn không có nước do đó quân CS đã tìm được chỗ hai bên bờ thoai thoải dốc để Tanks của chúng vượt qua. Bình-Tuy không đủ quân số và hỏa-lực để ngăn cản đà tiến quân của cộng sản .
Lúc 6 giờ chiều CS bắt đầu pháo vào Tiểu-khu, trung tâm Yểm-trợ Tiếp-vận, Căn cứ pháo-binh nơi đặt BCH/TĐ 344/ĐP và sau đó là khắp mọi nơi trong tỉnh lỵ kể cả khu dân cư. Một trận địa pháo khủng khiếp không thua gì ở An-Lộc năm 1972… cả tỉnh lỵ biến thành một biển lửa. Đến 8 giờ tối 12 chiếc xe Tăng T54 với tùng thiết và cả một Trung-đoàn bộ binh theo sau tiến vào Phi-trường nơi tuyến của tôi (TĐ344/ĐP). Chúng tôi không có vũ-khí chống Tank, đại bác 57 ly hết đạn chưa được bồi hoàn, chỉ có 6 khẩu M72 nhưng khi kéo ống phóng thì 3 khẩu bị đứt “giây kích-hỏa” nên không xử dụng được, hai khẩu bắn trúng Tank nhưng chỉ trượt pháo tháp, chúng chỉ khựng lại rồi tiếp tục tiến tới với hỏa lực tối đa. Chúng tôi không ngán Tank nhưng vì bộ binh của chúng quá đông nên tuyến đầu bị bể phải lui về tuyến sau, xe Tanks CS rượt theo hết tốc lực và cán lên cả tuyến sau. Chúng tôi xử dụng lựu đạn để ngăn bộ binh địch trong tình thế tuyệt vọng..!
Gần một giờ quần thảo với Tanks, với hằng ngàn bộ binh địch… chúng tôi chỉ M16 với hai hoả-lực đạn, hai khẩu pháo 105 ly của ta đã bị T54 khống chế, trận chiến bất cân xứng nhưng vì kỷ-luật quân đội, vì danh dự của người lính VNCH chúng tôi phải chiến đấu cho dù sự thất bại khó tránh khỏi. Kết quả bi-thảm đến với chúng tôi: Đại-đội chỉ-huy tan rã, Bộ chỉ-huy Tiểu-đoàn gồm có tôi, các trưởng ban và một số anh em cận-vệ tất cả 12 người chỉ còn sống sót 3 người, những người may mắn đó là tôi (người viết) một anh truyền tin và một anh cận vệ nhờ vào những rảnh sâu do nước mưa xói mòn chúng tôi nằm dưới rảnh khi xe Tăng (Tanks) cán qua.
Quân cộng dã man hơn cả súc vật, những người bị thương đều bị chúng bắn bồi hoặc cho Tank cán qua người, các đại-đội khác của Tiểu-đoàn cũng tan hàng với sức tiến vũ bão của T54 và bộ binh địch cấp Trung-đoàn (trong thời điểm này mỗi tiểu-đoàn của chúng tôi quân số chỉ còn lại 2/3 vì chưa có phương-tiện vận chuyển tân binh bổ sung từ , một số binh-sĩ đào ngủ để lo cho gia đình..v..v..). Tiểu-đoàn 341/ĐP của Đ/U Lê-Hùng cũng cùng chung số phận như TĐ của tôi. Tiếp theo và ngay trên đường nhựa cả đoàn xe hơn 20 chiếc đủ loại chở đầy lính CS và cả chục chiếc T54 chạy thẳng vào tỉnh lỵ. Cả tiểu-đoàn 344/ĐP hơn 300 người (vì chưa được bổ sung) bị Tanks địch xé nát từng mảnh, cả đại-đội chỉ-huy và bộ chỉ-huy tiểu-đoàn giờ đây chỉ còn 3 người, cả 3 anh em chúng tôi băng mình vào trại cưa gần đó, một chiếc T54 rượt theo ủi sập hàng rào nhưng nhờ những cây súc rất to nên T54 khựng lại không tiến lên được. Dưới hỏa lực của T54 và bọn tùng thiết bắn như mưa anh em chúng tôi lao mình trong đêm tối về hướng bìa rừng cách đó 500m tai nghe văng vẳng cộng quân la hét lẫn trong tiếng súng, khói lửa mịt mùng bao trùm cả bầu trời tỉnh lỵ Bình Tuy.
Khi vào đến bìa rừng nơi tương đối an toàn, Tôi (Lê phi Ô) cố gắng liên lạc Trung-tâm hành quân, các đơn vị bạn nhưng tất cả đều không có tiếng trả lời, quay nhìn về hướng BCH/Tiểu-khu… anh em chúng tôi đứng nghiêm đưa tay chào vĩnh biệt trong nước mắt, sau đó súng cầm tay hướng về phía Vũng Tàu chúng tôi lầm lủi trong đêm tối mịt mùng ! Đó là lúc 3 giờ sáng ngày 24 tháng 04 năm 1975.
(Xem thêm Bài đã đăng 4/2020) CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : QUÂN ĐOÀN 3 VNCH - MẶT TRẬN XUÂN LỘC - LONG KHÁNH - Ngã ba Dầu Giây - CBU.82 : Quả BOM thả trong Trận Long Khánh & CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : MẶT TRẬN QUÂN ĐOÀN 3 - ĐÔNG NAM PHẦN ( 8 /4/1975 ) - Chiến Đoàn 52 VNCH và Thiết Giáp Giao Tranh Tây Bắc Xuân Lộc - Ngã Ba Dầu Giây - Long Khánh.
Vòng Đai Sài Gòn, Trận Chiến Những Ngày 25 , 26 , 27 Tháng 4-75 .
Trong khi cuộc họp hành quân đang diễn ra tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 , thì tin tức tình báo ghi nhận Cộng quân đang tung quân cố cắt đứt trục giao thông Sài Gòn-Vũng Tàu ở đoạn Long Thành, cùng lúc đó, thông tin thám sát của các toán tình báo kỹ thuật cũng ghi nhận một đơn vị Pháo của Cộng quân đã di chuyển về hướng Bà Rịa.
Tại tỉnh Phước Tuy, từ ngày 24 tháng 4/1975, phòng tuyến Bà Rịa (tỉnh lỵ) do Sư đoàn 3 Bộ binh, Lữ đoàn 1 Dù và chi đoàn 2/15 Thiết vận xa đảm trách.
Quân số Sư đoàn 3 Bộ binh chỉ còn hơn 1 ngàn kể cả thành phần quân nhân tập hợp từ Sư đoàn 1 Bộ binh nhập lại. Với chừng ấy quân số, chỉ đủ để thành lập 2 tiểu đoàn, 1 tiểu đoàn cho trung đoàn 2 và 1 tiểu đoàn cho trung đoàn 56.
Về lực lượng 3 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 1 Nhảy Dù được lệnh hành quân tăng phái tới Tiểu khu Phước Tuy, sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đoạn hậu cho toàn bộ lực lượng chiến đấu của QLVNCH - rút lui an toàn ra khỏi chiến trường Xuân Lộc - Long Khánh ngày 21/4/1975 .
Lúc này, quân số của mỗi tiểu đoàn chỉ còn khoảng từ 357 đến hơn 400 binh sĩ.
Nếu tính cả các đơn vị Địa Phương Quân, quân số phòng thủ vòng thủ chưa đến 3 ngàn quân, chưa bằng quân số của 2 trung đoàn.
Trong khi đó tại khu vực này đã có 2 sư đoàn Cộng quân, 1 trung đoàn pháo và 1 lữ đoàn thiết giáp.
Theo phân nhiệm, Lữ đoàn 1 Dù chịu trách nhiệm trấn giữ vòng đai ngoài của thị xã Bà Rịa (tỉnh lỵ tỉnh Phước Tuy) và Quốc lộ 15.
Sư đoàn 3 Bộ binh phụ trách một số khu vực gần Bà Rịa. Bộ Chỉ huy Hành quân của Sư đoàn 3 Bộ binh đóng trong Bộ Chỉ huy Tiểu khu Phước Tuy. Các đơn vị của Sư đoàn 3 Bộ binh có đủ súng cá nhân cho binh sĩ nhưng thiếu súng cộng đồng, máy truyền tin và thiếu cả sự yểm trợ của Pháo binh.
Khi còn hoạt động tại chiến trường Quảng Nam (Quân khu 1), cũng như các sư đoàn Bộ binh khác, Sư đoàn 3 BB có 3 tiểu đoàn Pháo binh 105 ly và 1 tiểu đoàn Pháo binh 155 ly (mỗi tiểu đoàn có khoảng 18 khẩu đại bác).
Sau hai ngày tạm im tiếng súng, vào 6 giờ chiều ngày 26/4/1975, mặt trận Phước Tuy bắt đầu sôi động trở lại.
Cộng quân pháo kích vào thị xã Bà Rịa, Bộ Chỉ huy Tiểu khu Phước Tuy, tư dinh tỉnh trưởng, Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp. Trận mưa pháo kích kéo dài 3 tiếng. Toàn bộ hệ thống điện trong thị xã Bà Rịa đều bị hư hại. Khoảng 10 giờ đêm, Cộng quân tổ chức tấn công theo 3 mũi vào tỉnh lỵ, 2 mũi do bộ binh và thiết giáp CS phối hợp đánh vào Trung tâm Tiếp vận Tiểu khu và Tư dinh Tỉnh trưởng, 1 mũi vào khu vực dọc theo xa lộ mới ở phía Nam thị xã Bà Rịa.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ Binh kiêm Tư lệnh Mặt trận Bà Rịa , điều động 1 tiểu đoàn Dù và đặt đơn vị này thuộc quyền chỉ huy của Đại tá Tỉnh trưởng/Tiểu khu trưởng Phước Tuy để tổ chức các cuộc phản công đánh đuổi Cộng quân ra khỏi trung tâm thị xã.
Tiểu đoàn 9/Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã bắn cháy 5 chiến xa Cộng quân ngay trong đêm 26/4/1975.
Rạng sáng ngày 27/4/1975, lực lượng Nhảy Dù đã quét Cộng quân ra khỏi tỉnh lỵ. Để ngăn chận các đợt tấn công kế tiếp của Cộng quân, Bộ chỉ huy Lữ đoàn 1 Dù tăng thêm quân phòng thủ bên ngoài thị xã.
Khoảng 8 giờ sáng, Cộng quân điều động hai trung đoàn bộ binh và khoảng 30 chiến xa từ hai hướng mở đợt tấn công thứ hai vào thị xã Bà Rịa.
Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã chống trả quyết liệt và cả bên đều bị thiệt hại nặng...
Vào 2 giờ chiều ngày 27/4/1975, Lữ đoàn 1 Dù được lệnh rút khỏi Bà Rịa và về phòng thủ tuyến Cỏ May (nằm trên đường Bà Rịa-Vũng Tàu). Cùng trong buổi chiều ngày 27/4/1975, một đơn vị Công binh Thủy quân Lục chiến được điều động đến để giật sập cầu Cỏ May hầu ngăn chận Cộng quân tràn qua.
Trong khi đó : Tiểu đoàn 1/ Lữ Đoàn I Nhảy Dù ...
Ở Phước Tuy, bch ĐĐ11ND đóng ngay tại Pháo Đội 155ly của Tiểu khu Phước Tuy, Pháo Đội này còn đầy đủ súng ống và đạn dược nhưng hình như không còn người nữa (căn cứ bỏ trống).
Chiều hôm đó, ĐĐ11ND được lệnh của Tiểu Đoàn 1 ND cho phá hủy Pháo Đội 155ly này và lên đường, đây là chặng đường lui binh lần thứ hai và điểm hẹn là Bến Đá, Vũng Tàu.
Trên đường triệt thoái, đoàn quân nghỉ chân ở một ngôi làng (không nhớ tên) đến gần sáng có một xe vận tải Molotova của Cộng quân đi sai tọa độ vào chính giữa đoàn quân ND đang nghỉ ngơi, và đã bị các chiến binh Dù tiêu diệt trong vài phút, xe bốc cháy sáng cả một góc trời trong đêm đen... và sau cùng tan thành tro bụi.
Rạng sáng, ĐĐ11ND băng qua sông Phước Tuy, ĐĐ14ND đi về hướng cầu Cỏ May .
Đoàn quân băng qua sông Phước Tuy đến buổi chiều thì nước thủy triều lên đến cổ, giây dù đã được các anh em ĐĐ11ND buộc qua các thân cây tràm (mọc dưới sông) để đoàn quân nương theo mà đi.
Nếu không có sợi giây dù này thì đoàn quân ĐĐ11ND đã chết đuối giữa dòng sông .
ĐĐ14ND/Tiểu đoàn 1/Lữ Đoàn I Nhảy Dù phối hợp với đơn vị Công binh cho giật sập cầu Cỏ May để chặn quân cộng sản không cho tiến vào thị xã Vũng Tàu, nhất là Chiến xa của chúng.
Lữ Đoàn I Nhảy Dù tập trung tại Bến Đá, Vũng Tàu chờ lệnh hành quân...
Tại Chi Khu Long Thành, tối 26 tháng 4/1975, Cộng quân tấn công vào trường Thiết Giáp, chiếm quận lỵ Long Thành và cắt đứt Quốc lộ 15 nối liền Vũng Tàu và Sài Gòn.
Cũng trong ngày 26 tháng 4/1975, một tiểu đoàn đặc công Cộng quân đánh chiếm cầu xe lửa về hướng Tây Nam thành phố Biên Hòa trong khi đại bác của các đơn vị pháo binh Cộng quân bắn phá vào căn cứ Không quân Biên Hòa.
Ngày 27 và 28/4/1975, Cộng quân tiếp tục pháo kích vào các vị trí của quân trú phòng tại Long Thành và khu vực phụ cận.
Cũng trong hai ngày 26 và 27/4/1975, Cộng quân điều động bộ binh và thiết giáp tiến đến gần liên tỉnh lộ 25 và nhắm quận lỵ Nhơn Trạch, một đơn vị CS đánh chiếm các đồn Địa phương quân và Nghĩa quân dọc trên đường tiến quân.
Tại Trảng Bom do một đơn vị của Sư đoàn 18BB phụ trách đã bị Cộng quân pháo liên tục trong các ngày 26, 27 tháng 4/1975 .
Tại vòng đai Sài Gòn, tuyến phòng thủ của Quân lực VNCH đã phải co cụm lại: vùng Tây Bắc còn lại tỉnh Biên Hòa, phía Đông còn Long Thành, phía Bắc còn Lai Khê, phía Đông Nam còn Hóc Môn.
Trong đêm 26 tháng 4/1975, Cộng quân đồng loạt tấn công khu Tân Cảng, cầu Biên Hòa và đài phát tuyến Phú Lâm.
Một tiểu đoàn Dù đang bảo vệ dinh Độc Lập đã được điều động đến Tân Cảng và nhanh chóng quét sạch địch quân khỏi khu vực này.
Tại Củ Chi, sau khi triệt thoái từ Tây Ninh, lực lượng bộ chiến Sư đoàn 25 Bộ binh đã cố gắng lập tuyến chận địch tại Củ Chi.
Tại vòng đai Sài Gòn, Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, đã tổng điều động toàn bộ lực lượng cơ hữu và tăng phái để lập các cụm điểm chận địch tại các yết hầu trọng yếu vào Sài Gòn.
Sáng ngày 27 tháng 4/1975, tình hình Thủ đô Sài Gòn đã trở nên sôi động khi Cộng quân bắt đầu pháo kích vào vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất ...
Tiếp đó một đơn vị đặc công CS đã tấn công cầu xa lộ Tân Cảng và cầu xa lộ Biên Hòa.
Lực lượng xung kích của Biệt khu Thủ đô đã được điều động khẩn cấp để giải tỏa áp lực địch.
Đến chiều ngày 27/4/1975, lực lượng tiếp ứng VNCH đã giải tỏa áp lực địch tại các khu vực này, Cộng quân phải rút lui sau khi bị tổn thất nặng.
Tại Bình Dương, liên tiếp trong các ngày 26 và 27/4/1975, Cộng quân tấn công mạnh vào phòng tuyến của một trung đoàn thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh gần quận lỵ Phú Giáo.
2 phi cơ phản lực của Không quân VNCH luân phiên thực hiện các đợt oanh tạc vào những vị trí tập trung của Cộng quân để ngăn cản sức tiến quân của địch.
Trong nỗ lực chận đứng các cuộc tấn công của đối phương vào căn cứ Lai Khê, bản doanh của bộ Tư lệnh và một số đơn vị của Sư đoàn 5 BB, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn, đã cho lập các cụm điểm án ngữ quanh vòng đai căn cứ này. Từ khi quận Chơn Thành bị bỏ ngõ vào giữa tháng 4/1975, căn cứ Chơn Thành trở thành tiền đồn của tỉnh Bình Dương.
Tư lệnh Quân đoàn 3, đã khuyên Tướng Vỹ nên di chuyển Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 BB ở Lai Khê về Phú Lợi, chỉ nên để lại 1 trung đoàn phòng ngự căn cứ. Tuy nhiên Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ đã không đồng ý.
Ông nói với tướng Toàn:" Nếu bộ Tư lệnh Sư đoàn di chuyển về Phú Lợi, anh em binh sĩ sẽ nói mình là "di tản chiến thuật"...Tôi quyết ở lại sống chết với căn cứ này."
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn